Yêu cầu tạp chí khoa học nộp minh chứng phản biện: Vi phạm tự do học thuật?

Quý Hiên
Quý Hiên
15/06/2024 05:50 GMT+7

Các nhà khoa học cho rằng việc yêu cầu các tạp chí khoa học nộp minh chứng phản biện là thể hiện sự lạm quyền của Hội đồng Giáo sư nhà nước trong việc đánh giá chất lượng tạp chí khoa học.

Để chuẩn bị cho việc xét ứng viên đạt tiêu chuẩn phó giáo sư, giáo sư (PGS, GS) năm 2024, Văn phòng Hội đồng GS nhà nước (HĐ GSNN) đã có công văn số 74/HĐGSNN gửi các tạp chí khoa học VN, yêu cầu các tạp chí này đề xuất khung điểm cho tạp chí mình. Đề xuất này sẽ là căn cứ để HĐ GSNN quy định danh mục tạp chí khoa học VN được tính điểm năm 2025. Theo đó, công trình khoa học mà ứng viên khai trong hồ sơ xét PGS, GS đăng ở tạp chí nào thì sẽ được hội đồng xét cho mức điểm nằm trong khung của tạp chí đó mà HĐ GSNN quy định trong danh mục.

HỘI ĐỒNG LẠM QUYỀN?

Trong công văn 74, HĐ GSNN đã yêu cầu các tạp chí gửi cho Văn phòng HĐ GSNN bản sao minh chứng phản biện của các bài báo khoa học trong các số năm 2023. Trước yêu cầu này, một số nhà khoa học đã gửi đến Báo Thanh Niên ý kiến phản đối, cho rằng nội dung yêu cầu trái ngược với nguyên lý cơ bản của xuất bản khoa học.

Yêu cầu tạp chí khoa học nộp minh chứng phản biện: Vi phạm tự do học thuật?- Ảnh 1.

Tạp chí Kinh tế và Phát triển của Trường ĐH Kinh tế quốc dân là một trong số ít tạp chí khoa học của VN được ghi tên vào danh sách thuộc danh mục Scopus

Theo các nhà khoa học, trong quy trình xuất bản công trình nghiên cứu khoa học (sau đây gọi chung là bài báo), các ý kiến phản biện cần được bảo mật (trừ khi tạp chí có quy định mở về phản biện). "Chẳng hạn khi tôi được mời phản biện một bài báo, các ý kiến phản biện của tôi chỉ có tác giả và ban biên tập (BBT) biết, danh tính của tôi chỉ có BBT biết. Khi tôi viết bài và trả lời phản biện cũng vậy, chỉ có BBT và phản biện đọc được những câu trả lời của tôi. Nếu tạp chí bình duyệt ẩn danh kép (double blind review) thì người phản biện cũng không biết danh tính của tôi (tác giả bài báo). Tóm lại, đó là một quy trình kín giữa tác giả, phản biện và BBT. Không thể có chuyện một đơn vị khác yêu cầu tạp chí nộp các minh chứng của việc đó được", một nhà khoa học thuộc lĩnh vực kỹ thuật nêu ý kiến.

Cho dù chứng thực được các phiếu phản biện là thật hay giả thì các phiếu đó cũng không phải là "điều kiện đủ" để cho biết tạp chí có độ ảnh hưởng thế nào. Tức là giải pháp đó nửa vời, cố bịt lỗ hổng này chắc sẽ lại lòi ra lỗ hổng khác.


TS DOÃN MINH ĐĂNG, một nhà khoa học đang làm việc ở Đức

Nhà khoa học nói trên còn cho rằng yêu cầu nộp minh chứng phản biện là thể hiện sự lạm quyền của HĐ GSNN trong việc đánh giá chất lượng tạp chí khoa học. Nó thể hiện HĐ GSNN không hiểu những nguyên lý cơ bản của xuất bản khoa học. Nếu các tạp chí đáp ứng yêu cầu của HĐ GSNN nghĩa là họ không tôn trọng tác giả và phản biện đã đóng góp bài vở và công sức cho họ. Đây là một vấn đề của tự do học thuật, về tính độc lập của một diễn đàn khoa học đối với các thiết chế.

ĐẶT CÂU HỎI VỀ NĂNG LỰC ĐÁNH GIÁ KHOA HỌC CỦA HỘI ĐỒNG

"Họ không được yêu cầu điều đó. Họ muốn đánh giá tạp chí thì phải tìm cách khác. Các hệ thống ISI, Scopus… vẫn xếp hạng tạp chí mà có bắt nộp minh chứng phản biện đâu! Nếu HĐ GSNN không có năng lực đánh giá các tạp chí như các tổ chức xếp hạng quốc tế thì đừng làm và đừng công nhận các tạp chí trong nước không được xếp hạng quốc tế. Nên học hỏi xem thế giới người ta làm thế nào! Không thể lấy lý do đảm bảo chất lượng để vi phạm những nguyên tắc căn bản được. Không làm được thì thuê, đây là phương pháp giải quyết chung ở mọi lĩnh vực chứ không chỉ lĩnh vực đánh giá khoa học", một nhà khoa học của ĐH Bách khoa Hà Nội nêu ý kiến.

Yêu cầu tạp chí khoa học nộp minh chứng phản biện: Vi phạm tự do học thuật?- Ảnh 2.

Tạp chí Vật liệu và linh kiện tiên tiến (JSAMD), ấn phẩm khoa học hợp tác giữa ĐH Quốc gia Hà Nội với Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan), là một trong số rất ít tạp chí khoa học VN được xếp vào nhóm tạp chí khoa học quốc tế uy tín.

TS Doãn Minh Đăng, một nhà khoa học đang làm việc ở Đức, cho biết ông đồng tình với những nhận định nói trên của các nhà khoa học trong nước. Nếu HĐ GSNN chưa có cách thức đánh giá thuyết phục cho các tạp chí thì chưa nên tính điểm cho các tạp chí đó. Việc đánh giá các tạp chí khoa học không hề đơn giản, những tổ chức như Scopus phải hoạt động rất nhiều năm, có mối quan hệ với cộng đồng khoa học rộng lớn, thì họ làm các bảng chỉ mục (index) mới coi là tạm được. Nay nếu HĐ GSNN chỉ dựa vào phiếu phản biện, thì giống như kiểm tra hóa đơn chứng từ. Việc này càng ít ý nghĩa khi mà HĐ GSNN không có đủ nguồn lực để đọc lướt qua các phiếu phản biện đó, để biết là nội dung có làm giả hoặc do AI (trí tuệ nhân tạo) viết hay không.

VN có rất nhiều tạp chí khoa học với chất lượng rất khác nhau. Nhiều tạp chí công bố là có quy trình phản biện nhưng thực tế không thực hiện đúng như vậy. Nếu không yêu cầu cung cấp minh chứng là trong quy trình xuất bản có việc phản biện hay không thì hội đồng các cấp không có đủ cơ sở để đánh giá được chất lượng tạp chí.


PGS TRẦN ANH TUẤN, Chánh văn phòng HĐ GSNN

"Cho dù chứng thực được các phiếu phản biện là thật hay giả thì các phiếu đó cũng không phải là "điều kiện đủ" để cho biết tạp chí có độ ảnh hưởng thế nào. Tức là giải pháp đó nửa vời, cố bịt lỗ hổng này chắc sẽ lại lòi ra lỗ hổng khác. Có thể đợi đến lúc có nguồn lực để làm đánh giá đàng hoàng thì tốt hơn. Hoặc nếu chưa có đủ nguồn lực mà muốn xây dựng dần dần cách đánh giá các tạp chí, thì cũng nên lập ra kế hoạch, lộ trình như thế nào, công bố cho cộng đồng khoa học biết từ mấy năm trước để họ chuẩn bị và cùng góp sức vào", TS Doãn Minh Đăng nêu ý kiến.

GIẢI THÍCH TỪ VĂN PHÒNG HĐ GSNN

Theo PGS Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng HĐ GSNN, sở dĩ HĐ GSNN yêu cầu các tạp chí phải nộp bản sao minh chứng phản biện (2 chiều, 1 chiều...) là để có căn cứ đánh giá chất lượng tạp chí. "VN có rất nhiều tạp chí khoa học với chất lượng rất khác nhau. Nhiều tạp chí công bố là có quy trình phản biện nhưng thực tế không thực hiện đúng như vậy. Nếu không yêu cầu cung cấp minh chứng là trong quy trình xuất bản có việc phản biện hay không thì hội đồng các cấp không có đủ cơ sở để đánh giá được chất lượng tạp chí", PGS Trần Anh Tuấn nói.

Trước các ý kiến cho rằng các hệ thống ISI, Scopus… vẫn đánh giá, xếp hạng tạp chí mà không bắt các tạp chí nộp minh chứng về việc phản biện, PGS Trần Anh Tuấn nói: "Hệ thống tạp chí VN nếu đạt được chuẩn mực quốc tế thì sẽ là thuận lợi lớn trong việc đánh giá chất lượng tạp chí khoa học VN, thực tế cho thấy các tạp chí khoa học để được chỉ mục (index) trong các danh mục tạp chí quốc tế uy tín thì đã qua quá trình kiểm tra, đánh giá gắt gao về chất lượng. Ở VN chưa có hệ thống đánh giá chất lượng tạp chí như vậy. Đến như ACI (Asean Citation Index - hệ thống chỉ mục tạp chí khoa học của Đông Nam Á) Việt Nam cũng chỉ có trên 20 tạp chí vào được".

PGS Trần Anh Tuấn cho biết thêm nếu chỉ tính điểm một số tạp chí đã được index quốc tế hay khu vực thì không phù hợp thực tiễn, chúng ta cần có cả các tạp chí khoa học VN trong danh mục tạp chí được tính điểm của HĐ GSNN. Trên thực tế, những tạp chí VN đã đạt chuẩn quốc tế và khu vực thì đương nhiên được vào danh mục với khung tính điểm tạp chí quốc tế. Yêu cầu trên chỉ dành cho tạp chí trong nước. Tuy nhiên, HĐ GSNN sẽ tiếp thu, ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học xung quanh vấn đề đánh giá, cho điểm các tạp chí trong nước nhằm cải tiến quy trình đánh giá chất lượng tạp chí khoa học hằng năm đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng và phù hợp với thực tiễn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.