(TNO) Chiều 9.5, ông Võ Công Chánh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan HD-981 và các tàu của họ ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Các công nhân sửa chữa tàu cảnh sát biển bị hư hỏng sau khi bị Trung Quốc tấn công - Ảnh: Nguyễn Tú
|
Theo ông Chánh, vị trí hoạt động của giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đặt tại 15,29 độ vĩ bắc, 111,12 độ kinh đông, nằm hoàn toàn trong vùng biển Hoàng Sa, thuộc phạm vi quản lý của chính quyền UBND huyện Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.
Do đó, theo ông Chánh, với tư cách là cơ quan hành chính địa phương được Nhà nước giao quản lý quần đảo Hoàng Sa, UBND huyện Hoàng Sa cực lực phản đối phía Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế; vi phạm các nguyên tắc và thỏa thuận giải quyết vấn đề trên biển; làm xấu đi quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc và các địa phương của hai bên.
“Chúng tôi kiên quyết yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, vô điều kiện Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 (DOC), các thỏa thuận có liên quan giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; rút ngay giàn khoan HD-981 và các tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam; giải quyết mọi mâu thuẫn, tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình”, ông Chánh nói.
Trong khi đó, ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa thì bày tỏ sự căm phẫn vì hành động của Trung Quốc là hành động xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam.
Ông Ngữ cho rằng Việt Nam cần có thái độ rõ ràng, cương quyết hơn nữa để Trung Quốc phải di dời giàn khoan ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nếu không, theo ông Ngữ, việc Trung Quốc đặt được giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam sẽ tạo tiền lệ xấu, bởi lẽ Trung Quốc sẽ ngày càng lấn tới.
Động viên lực lượng làm nhiệm vụ
Chiều 9.5, tại TP.Đà Nẵng, báo Thanh Niên đã trao 60 triệu đồng cho Chi đội kiểm ngư 3, Cục Kiểm ngư Việt Nam.
Đây là số tiền do Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) ủng hộ 45 triệu đồng và bạn đọc đóng góp 15 triệu đồng nhằm kịp thời động viên 6 kiểm ngư viên bị thương do tàu Trung Quốc tấn công.
Nhà báo Vũ Phương Thảo, Phó trưởng Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên miền Trung trao 60 triệu đồng do bạn đọc, doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ các kiểm ngư viên bị thương - Ảnh: Nguyễn Tú
|
Trước đó, chiều 8.5, Báo Thanh Niên cũng đã trao 200 triệu đồng động viên cán bộ chiến sĩ tàu cảnh sát biển 4033 và 2012 khi 2 tàu đang sửa chữa tại Đà Nẵng. Hai tàu cảnh sát biển này cũng bị tàu Trung Quốc đâm va gây hư hỏng khi làm nhiệm vụ đẩy đuổi giàn khoan HD-981.
Đây là hoạt động của Báo Thanh Niên nhằm thực hiện cuộc vận động Nghĩa tình biên giới hải đảo giai đoạn 2013 - 2017 do Trung ương Đoàn phát động, trong đó tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Thanh Niên ủng hộ 100 triệu đồng, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại châu u ủng hộ 100 triệu đồng.
Nguyễn Tú
>> Vụ giàn khoan HD-981: Trung Quốc ngang ngược nói tàu Việt Nam tông tàu nước này 171 lần
>> Trung Quốc dùng giàn khoan HD-981 để cố ôm các tuyên bố chủ quyền phi lý
>> Đưa giàn khoan phi pháp vào biển Đông, Trung Quốc ngang ngược tố Việt Nam 'can thiệp
>> Mỹ: Trung Quốc 'khiêu khích' khi đưa giàn khoan vào biển Đông
>> Điện đàm cấp cao về việc giàn khoan Trung Quốc
>> Báo Trung Quốc: Không có chuyện ngừng đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
>> HD-981 chính là giàn khoan ‘khủng’ của Trung Quốc
>> Đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam: Trung Quốc vi phạm DOC
>> PVN yêu cầu CNOOC rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam
>> Phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm thềm lục địa Việt Nam
>> Phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển Việt Nam
Bình luận (0)