Yêu cầu xử lý dứt điểm việc thiếu thuốc, thiết bị y tế

Mai Hà
Mai Hà
07/11/2022 06:53 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khắc phục khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách , thủ tục trong thời gian ngắn nhất để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

  • Ban hành nghị quyết gỡ khó thanh toán BHYT, mua sắm thuốc

Sáng 6.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay VN đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh (92,2%) và hơn 43.000 ca tử vong (0,38%). Tính đến 2.11, VN triển khai tiêm được hơn 262 triệu liều vắc xin phòng Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 sáng 6.11

TTXVN

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng nhắc lại nhiệm vụ đầu tiên cho năm 2022 là phải kiểm soát được dịch bệnh và thực tiễn đã khẳng định việc xác định mục tiêu này là đúng, trúng. Thế giới đánh giá cao các thành tựu, kết quả của VN. Dù vậy, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Ủy ban Khẩn cấp (EC) về quy định y tế quốc tế (IHR) liên quan đến Covid-19 đánh giá thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch; tiêm vắc xin vẫn là giải pháp có tính chiến lược, đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó ở tầm quốc gia.

Mặt khác, Thủ tướng cũng lưu ý đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, đồng thời một số dịch bệnh vẫn đang lưu hành, xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới, diễn biến phức tạp. Do đó, tinh thần không để dịch chồng dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; nâng cao tinh thần chủ động, khả năng phòng chống dịch, nhất là thúc đẩy việc tiêm vắc xin.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Phải khắc phục khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục trong thời gian ngắn nhất, rút ra bài học kinh nghiệm và quyết tâm làm bằng được.

Cùng ngày, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký Nghị quyết 144 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí bảo hiểm y tế (BHYT) về khám chữa bệnh. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ: Y tế, KH-ĐT, Tài chính khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu, sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế thuộc phạm vi quản lý nhằm xử lý nhanh nhất các vướng mắc.

Chính phủ cũng yêu cầu chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị mua sắm tập trung, các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền. Đề cao trách nhiệm cá nhân đối với thủ trưởng đơn vị để tránh xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mua sắm.

Cần bổ sung 40 loại thuốc BHYT cho trạm y tế ở TP.HCM

Ngày 6.11, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề xuất cho TP.HCM triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc BHYT trong điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế phường, xã, thị trấn.

Theo Sở Y tế, hiện trạm y tế được quỹ BHYT chi trả 340 loại thuốc, trong đó có 50 loại thuốc dành cho các bệnh mạn tính không lây nhiễm. Nếu so với bệnh viện tuyến huyện thì trạm y tế thiếu đến 40 loại cần thiết để điều trị các bệnh này. Do đó, Sở Y tế đề nghị thí điểm mở rộng danh mục 40 thuốc BHYT trong điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế. Tất cả những loại thuốc này cũng đã được Bảo hiểm xã hội TP.HCM đồng thuận, nhưng phải được Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN có ý kiến chỉ đạo.

Theo Sở Y tế, hiện trạm y tế trên địa bàn TP.HCM không có đủ các loại thuốc thông thường và cần thiết cho công tác khám, chữa bệnh phổ biến cho người dân, nhất là các loại thuốc chữa bệnh không lây nhiễm. Kết quả khảo sát nhanh của Sở Y tế hồi tháng 8.2022 cho thấy có đến gần 80% người sẵn sàng đến với trạm y tế thay vì đến bệnh viện, nhưng với điều kiện các trạm y tế được cung ứng đầy đủ thuốc điều trị ngoại trú như bệnh viện.

Duy Tính

Về việc thanh toán chi phí BHYT về khám chữa bệnh, Chính phủ cho phép quyết toán, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2021 bằng chi phí khám chữa bệnh BHYT theo báo cáo quyết toán năm. Trong đó, tiền khám bệnh, tiền giường và tiền dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm, máu, chế phẩm máu đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT.

Việc quyết toán, thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và mức giá theo quy định hiện hành. Chính phủ cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu. Thời hạn thực hiện theo thời gian thực hiện hợp đồng đã ký trước ngày 5.11 hoặc không quá 12 tháng kể từ ngày 5.11.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.