Có những loài động vật sống để “yêu”, và mọi hoạt động của chúng chỉ nhằm phục vụ mục đích duy nhất là làm sao giao phối tốt nhất, dù cái giá phải trả là cái chết.
|
Con đực của một số loài thú có túi ăn côn trùng có cuộc sống hết sức bất bình thường. Chúng trưởng thành nhanh chóng, thường chưa đầy 1 năm. Rồi trong một mùa giao phối ngắn ngủi nhưng điên cuồng, chúng liên tục “xung trận”, đôi khi một lần hứng tình phải kéo dài đến 14 giờ mới chấm dứt, cho đến khi hệ miễn dịch của những con này không thể chống đỡ nỗi và sụp đổ. Cơ thể chúng bắt đầu rã rời dần, và kết cục tất yếu là cái chết.
Chiến lược này, gọi là sinh sản theo kiểu tự sát, được quan sát ở một số loài động vật và thực vật, nhưng rất hiếm khi nào động vật có vú lại dám áp dụng. Theo Diana Fisher, nhà nghiên cứu của Đại học Queensland (Úc), hành vi yêu điên cuồng và chết vội vã giống như trên chỉ xuất hiện ở thú có túi. Hầu hết các động vật theo đuổi chiến thuật tự sát khi yêu, như mực ống và nhện, có rất nhiều hậu duệ. Vì vậy, dễ hiểu tại sao chúng lại quyết định như thế nếu nhìn nhận ở khía cạnh tiến hóa: dù chết sau khi giao phối, chúng vẫn có hàng ngàn hậu duệ. Tuy nhiên, thú có túi, giống như hầu hết các động vật có vú khác, thường chỉ có vài đứa con nối dõi.
Khi hành vi trên được ghi nhận lần đầu tiên vào giữa thế kỷ 20 ở loài thú có túi tại Úc và một số đảo Thái Bình Dương như New Guinea, các nhà khoa học thật sự bối rối. Có người cho rằng đó là một dạng của lòng vị tha, theo kiểu con đực sau khi chết có thể nhường lại nhiều côn trùng hơn cho hậu duệ của chúng. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây được đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences cho thấy các con đực sống vội và chết trẻ vì một lý do khác: nhằm trao cho con cái những tinh trùng có chất lượng nhất, với mục tiêu truyền lại gien cho càng nhiều hậu duệ càng tốt.
Trong cuộc nghiên cứu, chuyên gia Fisher và đồng sự so sánh thú có túi áp dụng hành vi sinh sản theo kiểu tự sát với những loài thú có túi nhưng giao phối qua nhiều mùa trong suốt đời sống của chúng. Các nhà khoa học phát hiện ở nhóm đầu, những con đực có tinh hoàn lớn hơn nhiều so với kích thước cơ thể của chúng, mang lại lợi thế về khả năng tồn trữ tinh trùng. Trên thực tế, các con vật này đã ngưng sản xuất tinh trùng trước khi mùa giao phối bắt đầu, cho phép chúng dồn mọi sức lực và năng lượng cho các cuộc ân ái marathon. Ví dụ, con đực loài Antechinus với bề ngoài giống chuột, có thể xung trận suốt 14 giờ liền, và thậm chí làm suy nhược luôn cơ bắp để vắt kiệt năng lượng cho hoạt động di truyền nòi giống. Nữ chuyên gia Úc giải thích chúng buộc phải dựa vào lượng tinh trùng dự trữ trong suốt mùa giao phối, và do số lượng tinh trùng này liên lục bị thất thoát theo đường niệu đạo, khiến các con đực phải tận dụng mọi cơ hội có thể.
Đó cũng là lý do tại sao mùa giao phối chỉ dài khoảng vài tuần, và sau đó hầu hết con đực trưởng thành đều chết sạch vì bị nhiễm trùng hoặc do xuất huyết nội. Tự nhiên đã sắp xếp để các hậu duệ ra đời ngay trước mùa côn trùng xuất hiện nhiều nhất, thường là vào hè. Thay vì cạnh tranh bằng sức mạnh như cừu hoang (con đực thắng cuộc giành được “người đẹp”), thú có túi cái thường chấp nhận giao phối với nhiều đối tác khác nhau, và sinh con nhiều dòng. Tất nhiên, quy luật của tự nhiên là tinh trùng nào tốt sẽ thắng, do vậy con đực sẵn sàng hy sinh tất cả vì “tinh binh” của chúng. Con đực cũng biết áp dụng chiến thuật khôn lỏi, kéo dài thời gian quan hệ để giảm thiểu tối đa số đối thủ có thể tiếp cận bạn tình của mình sau đó.
Phi Yến
>> Bảo vệ động vật hoang dã
>> Động vật xấu xí
>> Động vật vô địch về thính giác
>> Chăm sóc, bảo vệ động vật hoang dã
Bình luận (0)