Yếu như... voi nhà

17/05/2015 05:37 GMT+7

Hàng loạt voi nhà gục chết gần đây ở Đắk Lắk dấy lên lo ngại về số phận đàn voi ít ỏi trước những thách thức làm du lịch quá tải, bệnh tật, thiếu ăn, môi trường sống thu hẹp...

Hàng loạt voi nhà gục chết gần đây ở Đắk Lắk dấy lên lo ngại về số phận đàn voi ít ỏi trước những thách thức làm du lịch quá tải, bệnh tật, thiếu ăn, môi trường sống thu hẹp...

Voi nhà phục vụ khách du lịch (ảnh lớn) và một voi nhà chết gần đây (ngày 7.5) ở H.Buôn Đôn (ảnh nhỏ)  Voi nhà phục vụ khách du lịch (ảnh lớn) và một voi nhà chết gần đây (ngày 7.5) ở H.Buôn Đôn (ảnh nhỏ)  - Ảnh: Ngọc Quyền - Nguyên Bình

Ăn không đủ no

Cụ ông Ae Nô bán nước giải khát đóng chai và một ít mía cây cạnh khu du lịch Buôn Đôn (xã Krông Na, H.Buôn Đôn, Đắk Lắk), cho hay bán mía 5.000 đồng/cây cho khách du lịch cưỡi voi muốn cho voi ăn để... chụp ảnh. Mỗi ngày cụ bán vài bó mía, ngày lễ đông khách thì bán hơn chục bó, mỗi bó 10 cây. Cụ kể, gia đình cụ trước đây từng nuôi 3 - 4 con voi, giờ thì không còn con nào. “Ngày trước, khi chưa biết làm du lịch, voi được thả vào rừng cả tuần, kiếm ăn thoải mái, con nào cũng béo khỏe. Giờ thấy voi thương quá, cả ngày không được ăn gì ngoài mấy bó mía du khách cho để mua vui”, cụ già 80 tuổi này cám cảnh.

Thống kê vào năm 1980, đàn voi nhà ở Đắk Lắk có khoảng 500 con, năm 1990 giảm còn 298 con; đến năm 2011 còn 51 con và hiện là 43 con. Theo đề án bảo tồn voi của tỉnh, chính sách khuyến khích quy định hỗ trợ gần 600 triệu đồng cho chủ voi nếu có voi nhà sinh sản, nhưng 3 năm nay chưa có voi con nào được sinh ra.

Ông Y Thông Khăm, Chủ tịch UBND xã Krông Na, cho biết xã có số voi nhà nhiều nhất tỉnh (19 con), hầu hết đều tham gia làm du lịch, ban ngày cõng khách, ban đêm được đưa đi cột ngoài rừng bằng dây xích để kiếm ăn. Khi thức ăn ngày càng khan hiếm, voi lại không được thả rông như trước vì “đụng đâu cũng có nương rẫy” thì voi cũng ngày càng yếu hơn xưa.

“Voi nhà hiện nhiều bệnh lắm, nhất là bệnh đường ruột. Voi làm du lịch người ta cho gì ăn đó; có khi mía, trái cây nhiễm thuốc trừ sâu cũng được cho voi ăn, lâu ngày trở bệnh mà không rõ nguyên nhân”, ông Thông Khăm nhận định. Vị chủ tịch xã thời trai trẻ từng làm nài voi này cũng cho rằng chính quyền chẳng thể làm gì hơn trước tình cảnh voi yếu sức và chết do hầu hết thuộc sở hữu các hộ cá thể hay doanh nghiệp du lịch...

Tuổi thọ đang giảm đi

Trong gần 5 tháng đầu năm nay, có 5 voi nhà ở Đắk Lắk bị chết. Còn ông Nguyễn Công Chung, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết từ năm 2011 đến nay trên địa bàn tỉnh có 9 voi nhà chết, nhưng gần đây số voi chết dồn dập và tập trung nhiều hơn cả. Theo ông Chung, không thể nói tất cả voi chết đều do làm du lịch quá sức, nhưng có thể thấy tình trạng chung là voi nhà ở Đắk Lắk đều nhiều tuổi, sức đề kháng ngày càng yếu, trong khi thức ăn từ rừng thiếu thốn, chế độ chăm sóc còn nhiều bất cập. “Từ năm 1999, nhà nước cấm săn bắt, thuần dưỡng voi rừng nên không còn bổ sung voi trẻ. Hầu hết voi nhà đang nuôi đều từ 30 tuổi trở lên, nhiều con trên 40 tuổi. Qua theo dõi, tuổi thọ của voi nhà đang giảm đi, chỉ còn khoảng 50 tuổi”, ông Chung nói.

Đáng lo ngại, theo ông Chung việc chăm lo sức khỏe, tuổi thọ của voi, ngăn chặn đà sụt giảm số voi nhà lại không đơn giản, do việc khai thác voi làm du lịch và khâu dinh dưỡng cho voi đều tùy thuộc các chủ voi. Với nguồn kinh phí từ ngân sách hạn hẹp, hằng năm trung tâm bảo tồn voi chỉ tổ chức được một số hoạt động tập huấn chăm sóc voi, thăm khám định kỳ, tiêm thuốc bổ, tẩy giun sán, chữa bệnh ngoài da...

“Không thể biết voi đang ủ bệnh gì để phòng ngừa, điều trị vì chúng tôi chưa có máy móc, thiết bị hiện đại khám kỹ cho voi; trong khi đó, gửi mẫu máu voi đi xét nghiệm một số nơi thì bị từ chối”, ông Chung nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.