Giữa muôn hình vạn trạng của những chiếc cổng, tôi lại nhớ về hình ảnh chiếc cổng đơn sơ hồi trước ở quê tôi, tít tận miền Trung. Thường từ cổng nối vào sân là hai hàng chè tàu, trúc hoặc dâm bụt thẳng tắp được cắt xén gọn gàng. Cổng rất đơn sơ: hai cây cột tre hoặc gỗ trồng hai bên, một cây tre gác ngang mỗi lúc cần “khóa” cổng, thực ra chỉ cốt để trâu bò không thể vào ăn rau cỏ trong vườn. Cổng luôn mở. Dù có cây tre chắn ngang thì nó vẫn là chiếc cổng mở, ai muốn vào nhà cứ nhẹ nhàng bước qua. Những chiếc cổng như thế làm nên nét văn hóa giao tiếp, thể hiện sự cởi mở của người nông dân miền Trung. Với kiểu cổng không phải cổng, bà con thôn xóm có thể qua lại thăm nhau bằng những con đường tắt, ở quê gọi là đi băng. Tình xóm giềng chả cần chi cổng.
Xét ở góc độ vật chất, chiếc cổng như một cột mốc để xác định chủ sở hữu đất đai hay nhà cửa. Mỗi lần giận dỗi ai, thậm chí la mắng ai, chủ nhà ra nơi đầu ngõ mà kêu. Cùng với hàng rào, chiếc cổng là nơi bảo vệ thứ tài sản thiêng liêng, quý nhất của nông dân: đất đai. Nói rộng hơn thì mỗi làng cũng có một chiếc cổng, hai bên câu đối; giản đơn thì hai cột trụ hay hai cây cổ thụ, còn hoành tráng, bề thế thì cổng tam quan... Cổng là địa giới cụ thể của mỗi thôn làng. Giờ đây những chiếc cổng mang dáng dấp làng cổ không còn nhiều, được thay vào đó bằng cổng bê tông phết sơn xanh đỏ. Người ta bảo đó là nông thôn mới. Tôi băn khoăn tự hỏi, có phải những chiếc cổng, mặt tiền của làng quê cũng cần đổi mới như vậy?
Nhân chuyện cổng, thật khó lấy chiếc cổng nơi làng quê vận vào cổng phố xá. Thành phố nhà hộp diêm san sát, cổng mỗi nhà mỗi kiểu. Hết ngày làm việc, chui tọt qua cổng về nhà, khép cánh cổng lại là cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Chả mấy khi qua lại thăm nhau. Chiếc cổng thâm nghiêm chắc chắn đã vô tình thành sự ngăn cách con người cả cuộc sống tinh thần.
Tôi yêu cái cổng ngôi nhà quê tôi lắm. Hồi nhỏ mỗi lần đi học về, chạy ù vào nhà mà chẳng cần “vừng ơi, mở ra” như ở phố.
Yên Mã Sơn
Bình luận (0)