Yếu tố nào giúp tốt nghiệp khối ngành kỹ thuật có thu nhập cao?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
09/04/2024 15:40 GMT+7

Không ít doanh nghiệp về kỹ thuật-công nghệ của nước ngoài có mặt tại Việt Nam thường xuyên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật. Vậy đó là các ngành học nào, và bên cạnh chuyên môn thì ngoại ngữ có phải là một lợi thế?

Các câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong phần 2 chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Xu hướng mới ngành kỹ thuật và công nghiệp" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 9.4 từ  15 giờ 45 đến 16 giờ 45 và được phát trực tuyến tại các nền tảng: website https://thanhnien.vn/, Facebook.com/thanhnien, kênh của Báo Thanh Niên trên YouTube và TikTok.

https://www.youtube.com/watch?v=Sri_72wXLfo

Yếu tố nào giúp tốt nghiệp khối ngành kỹ thuật có thu nhập cao?- Ảnh 1.

Các khách mời tham gia phần 2 chương trình tư vấn chiều nay

LÊ THANH HẢI

Tại chương trình tư vấn, đại diện các trường ĐH không chỉ thông tin về nhu cầu việc làm nhóm ngành kỹ thuật-công nghiệp mà còn chia sẻ những xu hướng mới trong đào tạo nhóm ngành này.

Các chuyên gia cũng sẽ lưu ý ngoài kiến thức chuyên ngành, người học kỹ thuật cần trang bị thêm những kỹ năng nghề nghiệp nào để có thể thích ứng tốt nhất với thị trường lao động, trong đó, ngoại ngữ liệu có cần phải giỏi mới có cơ hội thu nhập cao?

Đồng thời, từ kinh nghiệm tuyển sinh các năm trước, các trường sẽ đưa ra lưu ý với thí sinh khi xét tuyển vào các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật và các ngành công nghiệp của trường: mức độ cạnh tranh giữa các ngành, điểm chuẩn, chính sách ưu đãi cho người học...

Các khách mời tham gia tư vấn gồm:

  • PGS-TS Nguyễn Trọng Phước, Trưởng khoa Xây dựng Trường ĐH Mở TP.HCM
Yếu tố nào giúp tốt nghiệp khối ngành kỹ thuật có thu nhập cao?- Ảnh 2.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phước cho hay, năm 2024 trường tuyển 5.300 chỉ tiêu. Trong đó, 40% chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm học bạ, 40% cho điểm thi tốt nghiệp THPT và 20% xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và trường đối tác với ĐH Mở TP.HCM. Đối với các phương thức xét tuyển sớm, nhà trường nhận hồ sơ trước ngày 31.5.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phước cho hay: “Chúng ta thường nói nhiều về công nghiệp 4.0. Các sản phẩm về xây dựng, xe cộ, hạ tầng giao thông... đều phát triển do nhu cầu tất yếu, và đòi hỏi ngày càng cao về kỹ thuật, công nghệ, chức năng... Vì vậy, kiến thức về kỹ thuật, công nghệ rất quan trọng. Hiện số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành nhóm kỹ thuật, công nghiệp không giảm so với những năm trước. Tương lai việc làm của những ngành này chắc chắn không thiếu. Tuy nhiên, người học phải giỏi, phải đào sâu hơn nữa để không bị trí tuệ nhân tạo, robot chiếm việc".

  • Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Yếu tố nào giúp tốt nghiệp khối ngành kỹ thuật có thu nhập cao?- Ảnh 3.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương thông tin, trường sử dụng 4 phương thức xét tuyển: sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT; kết quả thi đánh giá năng lực; kết quả học bạ THPT theo điểm trung bình 3 môn tổ hợp xét tuyển lớp 12; và xét học bạ dựa vào tổng điểm trung bình 3 học kỳ cả năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12. Theo thạc sĩ Phương, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có hơn 20 ngành thuộc nhóm kỹ thuật-công nghiệp. Các bạn trẻ có tư duy logic, sự sáng tạo, đam mê công nghệ có thể chọn những ngành học này.

*** Bạn đọc Ngọc Trung (TP.HCM) hỏi: “Em đọc thấy Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch. Em muốn xét tuyển vào chuyên ngành này thì đăng ký ra sao, trường đào tạo chuyên ngành này theo hướng nào, cơ hội việc làm ra sao?”. Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương cho hay lĩnh vực vi mạch bán dẫn đang rất phát triển. Thiết kế vi mạch là chuyên ngành của ngành kỹ thuật điện tử viễn thông và thí sinh đăng ký theo 1 trong 4 phương thức để xét tuyển hoặc đăng ký cùng lúc cả 4 phương thức. Sinh viên sẽ được học kiến thức cơ bản và nâng cao về thiết kế vi mạch, máy tính, trí tuệ nhân tạo… Trường có mạng lưới doanh nghiệp cộng sinh ở Khu công nghệ cao TP.HCM, đồng thời trường có đầu tư hệ thống thực hành giúp sinh viên tiếp cận, cọ xát thực tế.

Xu hướng mới trong đào tạo khối ngành kỹ thuật, công nghiệp

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay các trường ĐH đang đào tạo theo 2 hướng: đào tạo đội ngũ nhân lực hàn lâm để làm công việc nghiên cứu, và đào tạo theo định hướng ứng dụng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cho doanh nghiệp. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành. Trường đưa các môn tích hợp, liên ngành, các học phần về khởi nghiệp, kinh doanh vào chương trình đào tạo. Sinh viên có thể đi làm từ năm 2, 3, 4 và khi ra trường có thể khởi nghiệp. 

  • Tiến sĩ Nguyễn Trường Sinh, giảng viên khoa Kỹ thuật - Công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Yếu tố nào giúp tốt nghiệp khối ngành kỹ thuật có thu nhập cao?- Ảnh 4.

Tiến sĩ Nguyễn Trường Sinh thông tin, trường có 4 phương thức xét tuyển thẳng, xét điểm học bạ, điểm đánh giá năng lực của 2 trường ĐH quốc gia Hà Nội và TP.HCM, và điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhà trường đào tạo đa ngành nghề với 51 ngành. Khối ngành kỹ thuật công nghệ chiếm 30%: kỹ thuật ô tô, cơ điện tử, hóa học, xây dựng, thực phẩm... Trường đào tạo theo hướng ứng dụng và thực hành nên kiến thức hàn lâm giảm và đầu tư lớn cơ sở vật chất cho thực hành.

*** Bạn đọc Ngọc Hồi (Đồng Nai) thắc mắc: “Cơ hội việc làm ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp ra sao, thu nhập trung bình của sinh viên mới ra trường thường ở mức nào?”. Tiến sĩ Nguyễn Trường Sinh tư vấn, cơ hội việc làm nhóm ngành kỹ thuật-công nghiệp rất lớn. Hiện có nhiều nhà máy mở ra với vốn đầu tư lớn từ nước ngoài, kéo theo nhu cầu nhân lực. Các em sẽ được học về cơ khí, điện tử, tự động hóa, vận hành, bảo trì hoặc thiết kế, tối ưu hóa quy trình sản xuất... Các em học khối ngành này cần tính linh hoạt cao. Học cơ khí hoàn toàn có thể làm về điện, cơ điện tử cũng làm được về lập trình hệ thống hoặc IT...

Tố chất cần thiết theo học ngành kỹ thuật, công nghiệp

Tiến sĩ Nguyễn Trường Sinh, giảng viên khoa Kỹ thuật - Công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: “Khối ngành kỹ thuật-công nghiệp rất rộng, ngoài tố chất siêng năng chăm chỉ, người học phải có kiến thức thiên về khoa học tự nhiên. Các bạn cũng cần có sự tò mò về máy móc công nghệ, với nữ thì có thể cần thêm tính tỉ mỉ, kiên nhẫn ở một số ngành nghề... Trường có nhiều học bổng giảm 30% học phí cho sinh viên học kỹ thuật công nghệ. Chúng ta đang trong thời kỳ phát triển của trí tuệ nhân tạo nên sinh viên kỹ thuật cần có sự năng động, chủ động tìm hiểu, học tập trang bị kiến thức mới, kỹ năng mới để theo kịp yêu cầu thực tế".

Yếu tố nào giúp tốt nghiệp khối ngành kỹ thuật có thu nhập cao?- Ảnh 5.

Nhu cầu nhân lực các ngành kỹ thuât-công nghiệp luôn cao

MỸ QUYÊN

Các chính sách học bổng

PGS-TS Nguyễn Trọng Phước, Trưởng khoa Xây dựng Trường ĐH Mở TP.HCM, cho hay trường có nhiều hình thức ưu đãi cho thí sinh. Cụ thể, nhà trường dành 8-10% tổng doanh thu của trường để cấp học bổng, khoảng 40 tỉ đồng, dành cho thủ khoa, sinh viên giỏi, sinh viên khó khăn… Nhiều doanh nghiệp cũng có học bổng cho sinh viên khoa xây dựng.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay trường có nhiều loại học bổng: thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 được 50% học phí học kỳ 1; học bổng doanh nghiệp; học bổng tài năng dành cho thí sinh đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi, Olympic... với 25-50-70% học phí; học bổng khuyến học cho sinh viên khó khăn...

Tiến sĩ Nguyễn Trường Sinh, giảng viên khoa Kỹ thuật - Công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay trường có nhiều học bổng giảm 30% học phí cho sinh viên học kỹ thuật công nghệ.

Bạn đọc hỏi trường ĐH hỗ trợ sinh viên ra sao để có được trình độ ngoại ngữ tốt khi ra trường?

PGS-TS Nguyễn Trọng Phước lưu ý, ngoại ngữ vô cùng quan trọng trong thời đại ngày nay. Trường ĐH Mở TP.HCM ưu tiên tập trung ngoại ngữ. Sinh viên khoa ngoại ngữ cũng đông nhất trường. Thầy cô của khoa sẽ giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên tất cả các ngành, cả bậc ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ. Sinh viên sẽ đạt được chuẩn đầu ra, quan trọng là sinh viên cũng cần nỗ lực.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương cho hay ngoại ngữ là chìa khóa mở ra cánh cửa quốc tế. Trường có chương trình đào tạo bằng tiếng Anh cho sinh viên giỏi tiếng Anh, có chương trình Việt-Nhật cho bạn trẻ yêu văn hoá ngôn ngữ Nhật. Bên cạnh đó cũng có chương trình Việt-Hàn. Đây là 3 chương trình giúp các em có thêm nhiều cơ hội việc làm sau này. Các chương trình còn lại sinh viên được học tăng cường tiếng Anh, tham gia các CLB tiếng Anh để có ngoại ngữ tốt.

Phụ huynh và bạn đọc quan tâm tới nhóm ngành kỹ thuật-công nghiệp có thể đặt câu hỏi thông qua các kênh của Báo Thanh Niên để được giải đáp.

Bạn đọc có thể xem lại phần 1 của chương trình TẠI ĐÂY

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.