Ngành kỹ thuật: Tỷ lệ tìm được việc làm cao nhất nhưng sao ít người học?

Hà Ánh
Hà Ánh
09/04/2024 14:25 GMT+7

Vào 14 giờ 30 hôm nay (9.4), Báo Thanh Niên thực hiện chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề 'Chọn ngành học cho tương lai: Xu hướng mới ngành kỹ thuật và công nghiệp'.

Chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề 'Chọn ngành học cho tương lai: Xu hướng mới ngành kỹ thuật và công nghiệp' diễn ra ở các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên

https://www.youtube.com/watch?v=LxQ8wtsxKyI

Trong nhiều năm gần đây, kỹ thuật không phải là khối ngành nhiều thí sinh đăng ký nhất nhưng lại được biết đến là một trong các lĩnh vực đào tạo sinh viên có tỷ lệ tìm được việc làm cao nhất.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay

NHẬT THỊNH

Theo một thống kê về tình hình sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 12 tháng được Bộ GD-ĐT công bố năm ngoái, kỹ thuật là một trong các lĩnh vực đào tạo sinh viên có tỷ lệ tìm được việc làm cao nhất. 

Trong thời gian khoảng 4-5 năm tới, cơ hội việc làm của sinh viên theo học khối ngành này được dự báo ra sao? Xu hướng đào tạo các ngành ở bậc ĐH hiện nay và mức độ cạnh tranh giữa thí sinh trong xét tuyển đầu vào ra sao? Người học các ngành này cần có những tố chất cần thiết gì…

Các chuyên gia trong chương trình tư vấn chiều nay

Các chuyên gia trong chương trình tư vấn chiều nay

LÊ THANH HẢI

Các thông tin này sẽ được đại diện chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Chọn ngành học cho tương lai: Xu hướng mới ngành kỹ thuật và công nghiệp”.

Đợt 1 của chương trình từ 14 giờ 30-15 giờ 30, gồm các chuyên gia:

  • Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân
Ngành kỹ thuật: Tỷ lệ tìm được việc làm cao nhất nhưng sao ít người học?- Ảnh 3.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết: “Theo danh mục ngành của Bộ GD-ĐT, trong 24 lĩnh vực với 377 ngành, có nhiều ngành mới được đưa vào trong năm 2022. Trong đó, có 2 lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật gồm: kỹ thuật, công nghệ và kỹ thuật. Như vậy, trong 24 lĩnh vực, kỹ thuật có số lượng ngành nghề lớn, chưa kể yếu tố nằm trong các lĩnh vực khác như: khoa học sự sống, nhóm ngành môi trường, các ngành thí điểm…".

Ông Hải dẫn lại thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy có 546.686 thí sinh nhập học ĐH năm 2023, học kỹ thuật xếp thứ 7 chiếm 4,9%; Công nghệ kỹ thuật đứng thứ 3 với 10,5%. Dù có nhiều ngành nhưng tổng số thí sinh trúng tuyển 2 lĩnh vực này mới chỉ khoảng 84.000 thí sinh, rất thấp.

  • Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM
Ngành kỹ thuật: Tỷ lệ tìm được việc làm cao nhất nhưng sao ít người học?- Ảnh 4.

Bằng kỹ sư khác bằng cử nhân thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho hay trước đây, sinh viên các ngành kinh tế, quản trị, xã hội được cấp bằng cử nhân, còn những ngành kỹ thuật và công nghệ thường được cấp bằng kỹ sư.

Tuy nhiên, từ khi Nghị định 99 của Chính phủ (nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH) có hiệu lực, một ngành kỹ thuật công nghệ được đào tạo từ 150 tín chỉ trở lên thì cấp bằng kỹ sư, dưới mức này, cấp bằng cử nhân.

Hiện nay, một số trường ĐH xây dựng chương trình đào tạo các ngành kỹ thuật trong thời gian 3,5 - 4 năm và cấp bằng cử nhân. Nhưng cùng ngành đó, có trường chọn hướng đào tạo 4,5 - 5 năm để cấp bằng kỹ sư. Có trường đào tạo theo 2 giai đoạn ngay trong cùng bậc ĐH, giai đoạn 1 cấp bằng cử nhân và giai đoạn 2 cấp bằng kỹ sư. Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thực hiện theo Nghị định 99, cập nhật chương trình để đào tạo theo định hướng cấp bằng kỹ sư cho sinh viên các ngành kỹ thuật công nghệ

  • Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thiên Thư, đại diện Trường ĐH Việt Đức
Ngành kỹ thuật: Tỷ lệ tìm được việc làm cao nhất nhưng sao ít người học?- Ảnh 5.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thiên Thư lưu ý có 3 xu hướng đào tạo kỹ thuật mới ở các trường ĐH hiện nay: đào tạo liên ngành và xuyên ngành, xu hướng số hóa, chuyển đổi xanh trong kỹ thuật và công nghiệp. Ngoài kiến thức chuyên môn, các kỹ sư tương lai cần có: kỹ năng xã hội giúp kỹ sư giao tiếp, tương tác và làm việc với cá nhân khác; kỹ năng ngôn ngữ, trong đó đầu tiên là tiếng Anh để có khả năng đọc hiểu diễn giải ghi chú tài liệu kỹ thuật bằng tiếng Anh; ngôn ngữ lập trình; kỹ năng học tập suốt đời; cuối cùng chính là sự tò mò.


Đợt 2 của chương trình sẽ diễn ra từ 15 giờ 45-16 giờ 45, gồm các chuyên gia

  • PGS-TS Nguyễn Trọng Phước, Trưởng khoa Xây dựng Trường ĐH Mở TP.HCM;
  • Tiến sĩ Nguyễn Trường Sinh, giảng viên khoa Kỹ thuật - Công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; 
  • Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.