Yếu tố nào quyết định chống bạo hành trẻ?

Bích Thanh
Bích Thanh
25/05/2018 09:59 GMT+7

Vụ việc nhóm trẻ độc lập ở Đà Nẵng hành hạ trẻ trong bữa ăn một lần nữa cho thấy chống bạo hành trẻ trong trường mầm non là vấn đề hết sức cấp bách. Vấn đề đặt ra là giải pháp nào để chấm dứt tình trạng này chứ không phải cứ chặn chỗ này lại xuất hiện ở chỗ khác.

TP.HCM cũng là nơi xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ. Vào tháng 4 vừa qua, UBND TP đề nghị Sở GD-ĐT cùng các sở liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm việc lắp camera tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục và công lập trên địa bàn TP. Ngày 18.5, Sở GD-ĐT TP.HCM có tờ trình báo cáo UBND, đồng thời đưa ra lộ trình năm học 2018 - 2019 thực hiện thí điểm ở Q.1, Q.12 và H.Hóc Môn. Đến năm học tiếp theo sẽ thực hiện đại trà ở các quận, huyện.
Về giải pháp này, một nguyên phó phòng GD Q.Tân Phú nói rằng, chỉ giải quyết phần ngọn, cái gốc vẫn là đào tạo giáo viên, đội ngũ quản lý. Người quản lý cần thấy đâu là những giáo viên phù hợp cho công việc. Ngoài ra, cần đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nếu thấy chưa an tâm và có những biện pháp chế tài phù hợp. Còn với giáo viên, nếu thấy yêu nghề, yêu trẻ thì hãy lựa chọn, còn không hãy dừng lại.
Trong một tọa đàm liên quan đến bạo hành trẻ mầm non cách đây không lâu được tổ chức tại TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Trưởng khoa GD Mầm non, Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng nếu không có tâm, giáo viên có rất nhiều "chiêu" bạo hành trẻ mà không để lại dấu tích.
Còn bà Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho rằng việc giám sát thì camera cũng không đủ mà cần "tai mắt" của tất cả mọi người. Ở góc độ là một luật sư, theo bà Nữ, việc gắn camera là một lợi thế để họ có được chứng cứ, hỗ trợ đắc lực trong quá trình tham gia bảo vệ trẻ. Đào tạo giáo viên, có được đội ngũ vừa có kỹ năng, có tâm huyết với nghề, có kiến thức về quyền trẻ em mới là yếu tố quyết định chống bạo hành trẻ trong các cơ sở mầm non.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.