Biến tướng nội dung trên YouTube: 'Phim ngắn' nghệ thuật hay khiêu dâm trá hình?

07/01/2020 10:41 GMT+7

Xu hướng xây dựng nội dung nhạy cảm, chứa yếu tố tình dục vốn không phải là vấn đề phát sinh gần đây trên YouTube . Tuy nhiên, những kênh này đang dần sở hữu lượng người xem ổn định, thậm chí có lượt đăng ký 'khủng'.

Muôn kiểu câu view 18+

Ngủ trong quan tài, dùng băng vệ sinh làm ví tiền, trêu chọc phụ nữ nơi công cộng… đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trong giới vlog nửa đầu năm 2019. Những biến tướng đáng lo ngại về nội dung trên YouTube nhanh chóng bùng lên với lượng người xem khổng lồ. Tuy nhiên, chúng cũng sớm tàn bởi sự giận dữ của công chúng. Mặc dù YouTube đã thắt chặt các chính sách kiểm duyệt cũng như chế độ kiếm tiền đối với các chủ khoản, nhưng nội dung độc hại trên các trang này vẫn còn là vấn đề nan giải.
Hầu hết các video mang tính giật gân, lôi kéo người xem đều rơi vào công thức 3S (sex, sốc và sợ hãi). Am hiểu tâm lý người xem, những chủ kênh bên cạnh việc sản xuất các nội dung đánh vào trí tò mò, còn nghiên cứu kỹ hình thức thể hiện của video. Không chỉ đặt tít khiêu khích, khơi gợi, nhiều kênh còn thiết kế ảnh đại diện của video một cách hở hang và phản cảm. Nội dung tiêu đề đa phần nghiên về những mối quan hệ sai trái, yếu tố đồng tính...

Loại hình video câu view phản cảm bằng yếu tố tình dục vốn xuất hiện từ lâu nhưng sau này trở nên phổ biến và thu về lượng theo dõi ổn định khiến nhiều chủ kênh bất chấp

Ảnh: Chụp màn hình

Đáng nói, đa phần các video này gắn mác “phim ngắn”, “phim nghệ thuật”, được đầu tư khá công phu cùng dàn diễn viên đông đảo. Các nhân vật trong phim lần lượt được cài cắm các câu thoại, trang phục khiêu gợi trong những bối cảnh nhạy cảm. Đặc biệt, một số kênh còn không giới hạn độ tuổi người xem theo chính sách YouTube nhằm tăng cường độ tiếp cận của khán giả. Trung bình, mỗi “phim ngắn” đăng tải thu về hàng ngàn chục ngàn lượt xem, thậm chí lên đến hàng triệu lượt theo dõi cùng đa dạng hình thức tương tác. Không dừng lại ở các bình luận cổ súy khiếm nhã, các nội dung này được chia sẻ và lan truyền trong nhiều nhóm kín có tính chất khiêu dâm. Đây được xem là hành động giúp "tối ưu hóa" lượng người xem của các chủ kênh thông qua các nền tảng công nghệ khác như: Facebook, Instagram, Twitter…
Theo thống kê của chuyên trang phân tích dữ liệu toàn cầu Statista, YouTube hiện chỉ đứng sau Facebook trong top mạng xã hội được sử dụng phổ biến nhất thế giới với 2 tỉ người dùng. Báo cáo này được nghiên cứu và đưa ra từ tháng 10.2019. Lần nữa, vị thế của mạng xã hội trở nên nóng bỏng và gần như chi phối thế giới mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Song, vai trò của những “ông trùm” công nghệ trong vấn đề định hướng thông tin và thiết lập trật tự xã hội cũng được công chúng để mắt.

YouTube chỉ đứng sau Facebook về độ phổ biến trên toàn cầu theo thống kê của trang Statista

Ảnh: Statista

Lo ngại về tính minh bạch cũng như sự bùng nổ của các nội dung thiếu lành mạnh, cây bút Anne Applebaum của tờ Washington Post đánh giá: “Facebook là dịch vụ thống trị trên phương tiện truyền thông xã hội, cũng như Instagram và WhatsApp. Tôi có thể nói điều tương tự về Google hoặc YouTube. Các công ty này cũng hoạt động theo các quy tắc và thuật toán riêng của họ… Họ thậm chí quyết định những gì được kiểm duyệt. Không gian công cộng được định hình bởi các quyết định này, nhưng công chúng không có tiếng nói”.

Khó kiểm soát nội dung lẫn hành vi khán giả

Với số lượng chủ kênh tăng vọt cùng hàng loạt xu hướng sáng tạo đang thịnh hành, YouTube trở thành kênh chia sẻ video hàng đầu với tốc độ phát triển chóng mặt. Số lượng kênh càng đông, điều đó cũng đồng nghĩa với sức mạnh định hướng thông tin của nền tảng này đối với người dùng càng lớn. Từ đây, việc thẩm định và nhìn nhận thông tin hoàn toàn có khả năng sai lệch. Một cá nhân làm việc sai trái sẽ bị cộng đồng phản ánh và điều chỉnh, tuy nhiên, nếu một quan điểm được số đông ủng hộ và cổ súy, chắc chắn tội lỗi biến thành… "chân lý".

Bình luận cổ súy là "động lực" giúp các kênh YouTube độc hại tồn tại

Ảnh: Chụp màn hình

Nghiên cứu về hành vi người dùng trên mạng xã hội, PGS-TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho biết: “Không ít người xem việc xem tin nhảm, truyền thông nhảm là thói quen giải trí hay hành vi vui. Song song đó, cũng có một số cá nhân giản đơn hóa việc truyền thông để gây chú ý, gây ấn tượng hay lôi kéo người khác về mình bằng cách xây dựng hình ảnh và tạo ảnh hưởng. Thậm chí một vài cá nhân có học vị, có hình ảnh nhất định vẫn rơi vào chiếc bẫy hàm hồ truyền thông bởi hào quang của đám đông trao tặng. Cái like, cái comment làm người ta dễ nghĩ rằng mình có quyền năng, là người có sức mạnh, là nhà báo đầy uy tín, là người của công chúng với hào quang có thể tác động và thay đổi…”

PGS-TS Tâm lí Huỳnh Văn Sơn cho rằng mạng xã hội chính là nơi con người thỏa mãn cái tôi bị kiềm nén ngoài đời thực

Ảnh: NVCC

Ngoài sự thao túng của đám đông, sự tồn tại của các nội dung độc hại trên YouTube còn phụ thuộc vào bàn tay của đơn vị quản lý. Vlogger Đinh Võ Hoài Phương, chủ kênh Khoai Lang Thang với 1,1 triệu người theo dõi nhận định: “Những nội dung này rõ ràng là trái với luật hiện tại của YouTube, nhưng hệ thống kiểm soát nội dung của trang này vẫn chưa hoàn thiện. Cho nên, tôi nghĩ họ sẽ sớm lọc những nội dung này trong tương lai. Dù sao đi nữa, ý thức chủ quan của người xem vẫn là điều quyết định. Tôi hi vọng khán giả hãy tỉnh táo hơn và có những kỹ năng kiểm soát thiết bị để bảo vệ con cái mình khỏi những nội dung xấu đó”.

Vlogger Đinh Võ Hoài Phương cho biết khó có thể kiểm soát hành vi khán giả, quan trọng chính là nhận thức của chính họ

Ảnh: FBNV

Trong khi đó, diễn viên Kinh Quốc, chủ kênh Kinh Quốc Entertainment với gần 900 ngàn lượt đăng ký cho rằng nhà sáng tạo nội dung luôn độc lập với khán giả: “Tôi làm kênh YouTube cho chính mình, sau đó cho các đồng nghiệp tham gia và cuối cùng là cho những người khán giả của mình. Còn những người không kỹ lưỡng, thuộc những thành phần không lành mạnh thì tôi không cần phải quan tâm. Số lượng những người như vậy quá nhiều, tôi không thể kiểm soát hết được”. Song, nam diễn viên Hướng nghiệp cũng cho biết bất kỳ chủ kênh nào trên YouTube cũng có mục đích riêng: “Nếu người nào nghĩ tôi chiêu trò, cũng có thể là chiêu trò. Nhưng chắc chắn, ai làm điều này cũng phải tính đến kết quả, doanh thu, mọi thứ… Ngay lúc này, tôi vẫn tiếp tục đầu tư, tiếp tục làm công việc tôi thích…”.
Theo dõi bình luận trên các kênh phản cảm đã đề cập, phần lớn khán giả nghiêng về việc ủng hộ và cổ súy. Xét theo quy luật cung cầu, câu chuyện nội dung trên YouTube xem ra tiếp tục là vấn đề nan giải. Đáp lại những phản hồi chỉ trích, một kênh đã bình luận như sau: “Chừng nào còn người xem thì tôi còn làm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.