Bản lĩnh doanh nghiệp Việt

Nguyên Hằng
Nguyên Hằng
13/10/2020 04:28 GMT+7

“Chỉ có phong ba, bão táp mới tạo ra những thuyền trưởng tài ba”, câu nói đó chưa bao giờ lại đúng như hiện tại.

Đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới lao đao, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã mang đến một hình ảnh, một tầm vóc hoàn toàn mới.
Từ khi dịch bắt đầu đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp (DN) bất động sản dù bị ảnh hưởng rất lớn, nhưng trong hầu hết các kiến nghị “chỉ xin cơ chế, không xin tiền”.
Họ cũng là những DN đầu tiên thể hiện sự hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua dịch bệnh thông qua việc giảm giá thuê đất, thuê nhà, thuê mặt bằng cho đối tác... Các DN sản xuất thì kiến nghị “nới” điều kiện chứ kiên quyết không sa thải người lao động để hưởng ưu đãi giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đóng thuế.
Trong thời điểm căng thẳng nhất của dịch bệnh, hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng Vinpearl (thuộc Tập đoàn Vingroup) tại 17 tỉnh thành trên cả nước đã thắp sáng biểu tượng trái tim hướng về đội ngũ y bác sĩ, nhân viên dịch vụ, các nhà hảo tâm, những con người trên tuyến đầu chống dịch. Vingroup cũng là tập đoàn đi đầu trên tất cả mặt trận từ chung tay với Chính phủ hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch; không giảm lương cán bộ công nhân viên, xoay chuyển cục diện sang sản xuất máy thở, tài trợ nghiên cứu vắc xin... với tổng giá trị hàng ngàn tỉ đồng. Cũng trong dịch bệnh, lần đầu tiên một mạng lưới liên kết giữa du lịch, hàng không, dịch vụ, lữ hành, các điểm đến... được thiết lập trên quy mô lớn.
Tương tự, bất chấp khó khăn, Nutifood vẫn miệt mài mang sữa, cà phê và các sản phẩm dinh dưỡng tới đội ngũ bác sĩ, bộ đội biên phòng...; Bị ảnh hưởng mạnh nhất nhưng nhà phát triển du lịch hàng đầu Việt Nam là Sun Group lập kỳ tích khi chỉ trong 3,5 ngày xây dựng xong bệnh viện dã chiến 500 phòng tiếp sức cho Đà Nẵng khi dịch bệnh bùng phát trở lại... Có thể thấy, ở khắp các “mặt trận”, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân luôn đi tiên phong. Từ sản xuất bánh mì thanh long giúp bà con nông dân, sáng tạo ATM gạo mang bữa cơm đến cho người nghèo khó, chế tạo phần mềm truy vết... Họ cũng là những người nhanh chóng biến thách thức thành cơ hội. Từ may quần áo sang khẩu trang, từ sản xuất ô tô sang chế tạo máy thở...
Nhìn lại suốt chiều dài phát triển của đất nước cho thấy, bản lĩnh, trách nhiệm của đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam đã trở thành truyền thống. Dấu ấn đã đi vào lịch sử là mùa thu năm 1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời mới thành lập, kinh tế kiệt quệ. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ Vàng”, nhằm thu nhận hiện vật mà nhân dân quyên góp cho Chính phủ. Hưởng ứng lời kêu gọi và niềm tin nơi Bác, các doanh nhân, các nhà tư sản dân tộc đã đóng góp vào “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ Vàng” trên 20 triệu đồng Đông Dương và khoảng 370 kg vàng, bảo đảm hoạt động cho chính quyền cách mạng những ngày đầu thành lập.
Từ đó đến nay, đội ngũ DN, doanh nhân luôn có sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Chính phủ... để phát triển thành cộng đồng hơn 700.000 DN hiện giờ. Họ không chỉ lo phát triển kinh tế mà còn tích cực tham gia góp phần thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam...
Họ xứng đáng được tin cậy và tôn vinh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.