Bà mẹ làm 50 trò chơi giúp con phát triển kỹ năng trong thời gian nghỉ học

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
28/03/2020 10:18 GMT+7

Thấy con nghỉ học nhiều tháng liền, lại phải 'giam lỏng' trong nhà để phòng dịch Covid-19 , chị Bùi Thị Thu Vân đã cùng con làm chuỗi 50 trò chơi, giúp con không bị nhàm chán, phát triển thêm kỹ năng.

Chia sẻ về việc chuỗi trò chơi này, thạc sĩ Bùi Thị Thu Vân (huyện Nhà Bè, TP.HCM), cho biết dù thị trường đồ chơi của trẻ rất đa dạng với hàng nghìn mẫu, trẻ cũng dễ bị cuốn hút bởi những món đồ chơi có sẵn này nhưng lại nhanh chán sau đó. Trong khi đó, từ những đồ vật có sẵn trong nhà, trẻ có thể chế ra được rất nhiều trò chơi khác nhau.

Học nhiều kỹ năng từ những trò chơi

Thấy bé Bin, con trai mình thích dùng những thứ bỏ đi trong nhà để làm đồ chơi, làm thí nghiệm, làm thành các đồ vật dễ thương để tái sử dụng… Hơn nữa, thời gian ở nhà lâu chắc chắn con sẽ chán, khá nhiều ba mẹ phát bực vì con suốt ngày ôm ti vi, điện thoại hoặc phá nghịch mọi thứ nên chị Vân đã cùng bàn bạc với con trai mình, mỗi ngày sẽ cùng làm ra 1 hoặc 2 trò chơi.
Với tiêu chí tiết kiệm, đơn giản, chuỗi trò chơi này của mẹ con chị Vân chủ yếu sử dụng những nguyên vật liệu có sẵn trong nhà. Trong quá trình con thực hiện các trò chơi, chị tranh thủ lưu lại rồi chia sẻ lên Facebook của mình để những phụ huynh khác có thể tham khảo.
“Việc ba mẹ cùng chơi với con sẽ là chất xúc tác tuyệt vời để gắn kết tình cảm gia đình”, chị Vân chia sẻ.

Trong lúc làm đồ chơi và chơi, con sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề cần giải quyết như cách thức làm đồ chơi phải thay đổi để có thể chơi được hoặc luật của trò chơi thế nào để phù hợp với tất cả người chơi cùng là ba mẹ hay bạn bè…, trẻ sẽ phải tự mình đưa ra quyết định cho mọi sự thay đổi. Bé phải thương lượng cách chơi với những thành viên tham gia, đôi khi là tranh luận để bảo vệ ý kiến cả bản thân, do vậy trẻ học được kỹ năng giải quyết vấn đề

Danh sách 50 trò chơi gồm những trò hai mẹ con chị đã mày mò từ trước, một số chị học hỏi từ đồng nghiệp, số khác là từ những thí nghiệm của hai mẹ con.

Chuỗi trò chơi của mẹ con chị Vân rất đa dạng, từ cắt ghép, vận động đến những thí nghiệm nhỏ

NVCC

Những trò chơi này rất đa dạng từ việc cắt ghép hình, trò chơi vận động, thí nghiệm… Là một người làm việc trong lĩnh vực giáo dục mầm non, chị Vân cho biết với chuỗi 50 trò chơi này bé không chỉ giúp trẻ “giết” thời gian mà còn có thể học được rất nhiều kỹ năng.
Theo chị Vân, trong lúc làm đồ chơi và chơi, con sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề cần giải quyết như cách thức làm đồ chơi phải thay đổi để có thể chơi được hoặc luật của trò chơi thế nào để phù hợp với tất cả người chơi cùng là ba mẹ hay bạn bè…, trẻ sẽ phải tự mình đưa ra quyết định cho mọi sự thay đổi. Bé phải thương lượng cách chơi với những thành viên tham gia, đôi khi là tranh luận để bảo vệ ý kiến cả bản thân, do vậy trẻ học được kỹ năng giải quyết vấn đề.
Vốn từ vựng sẽ phát triển nhanh chóng khi bé cùng làm đồ chơi với ba mẹ hay bạn bè. Khi làm việc để tạo ra đồ chơi bất kỳ, đôi khi chúng ta sẽ thấy các con chơi những trò chơi hoàn toàn mới so với ý tưởng ban đầu đưa ra. Con có thể biến tấu một phần trò chơi đang chơi hoặc thay đổi hoàn toàn cách chơi dựa trên chính đồ chơi cũ, vẽ thêm vào đồ chơi những gì bé nghĩ là đẹp… một cách vô cùng thích thú. Đó chính là lúc tính sáng tạo của trẻ đang được phát huy.
Những trò chơi này cũng giúp bé rèn luyện đôi tay khéo léo, tính kiên nhẫn cũng như có điều kiện để các con vận động thể chất…

Cha mẹ nên chơi với con thế nào

“Tùy theo độ tuổi của bé và tính chất của mỗi trò chơi mà mức độ giúp đỡ của ba mẹ đối với các bé cũng khác nhau. Trong chuỗi 50 trò chơi này có những trò chơi bé 2 tuổi đã có thể thao tác được với các đồ dùng, vật dụng để tạo ra đồ chơi và chơi. Một số trò chơi cần kỹ thuật nhiều hơn thì các bạn ở độ tuổi tiểu học và cấp 2 có thể làm được dễ dàng mà các bé mầm non vẫn cùng chơi được”, chị Vân nói.
Ba mẹ cần dựa vào khả năng của con mình để cho bé được trải nghiệm và chỉ nên giúp đỡ con khi bé đã cố gắng mà vẫn không thành công. Như vậy, sẽ khuyến khích tính kiên nhẫn của bé cũng như cho bé cảm nhận niềm vui, hãnh diện khi bé phải vất vả để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.

Mẹ con chị Vân cũng chia sẻ các bước làm trò chơi lên Facebook để những phụ huynh khác có thể tham khảo

NVCC

Chị Vân cũng chia sẻ, khi đăng tải những trò chơi này lên Facebook nhiều phụ huynh đã hưởng ứng và chơi cùng con, trong đó, có nhiều người còn quay lại thành quả của con để gửi lại khiến mẹ con chị có thêm nhiều động lực để nghĩ ra những trò chơi khác.
Riêng Bin, con trai chị Vân, thì luôn háo hức chờ đến giờ làm trò chơi mỗi ngày. Có ngày bé làm được 2 -3 trò chơi nhưng có những ngày khi việc đòi hỏi kỹ thuật nhiều hơn, phải sáng tạo hơn thì bé mất 1-2 ngày mới xong một trò chơi.
Trong quá trình con chơi, chị cũng ủng hộ hết mình những ý tưởng của con dù sau đó có thể thành công hoặc thất bại. “Nhà mình đang trở thành một cái xưởng làm đồ chơi và thử nghiệm các trò chơi thu nhỏ. Đối với mình tất cả các trò chơi khi đã cùng con làm đều có những bài học và giá trị nhất định. Không có trò chơi nào giá trị nhiều hơn hay ít hơn mà chủ yếu do cách thức chúng ta cùng con làm ra thế nào và chơi cùng với con ra sao thôi”, nữ phụ huynh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.