Bộ GD-ĐT: Dạy trực tuyến với lớp 1 nếu đủ điều kiện

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
26/08/2021 14:58 GMT+7

Sau một thời gian dài các trường chờ chỉ đạo chính thức từ phía Bộ GD-ĐT về việc học sinh mới bắt đầu vào lớp 1 có học trực tuyến hay không , hôm nay, Bộ mới có hướng dẫn rất chung chung về nội dung này.

Bộ GD-ĐT vừa có Công văn 3636 về hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với cấp tiểu học năm học 2021 - 2022 gửi các địa phương, trong đó có nội dung về việc tiệc tổ chức dạy học đối với học sinh lớp 1, lớp 2, trong bối cảnh học sinh không thể đến trường vì dịch Covid-19.
Trong công văn hướng dẫn, Bộ GD-ĐT yêu cầu giáo viên chủ động liên hệ và hướng dẫn cha mẹ học sinh phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường và gia đình học sinh; lựa chọn những nội dung cần thiết để hướng dẫn cha mẹ học sinh tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng tâm thế vào học lớp 1 và duy trì việc học tập đối với học sinh lớp 2;
Chủ động khảo sát, nắm bắt thông tin đầy đủ về đối tượng học sinh trong độ tuổi lớp 1, lớp 2 trên địa bàn, để tham mưu chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ kịp thời, phù hợp đối với học sinh gặp khó khăn, gia đình không có thể hỗ trợ các em học tập trong thời gian ở nhà; sẵn sàng cho kịch bản dạy học trực tiếp khi học sinh trở lại trường học tập, có phương án tăng cường riêng cho đối tượng học sinh gặp khó khăn.
Việc tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm lý lứa tuổi đối với học sinh lớp 1, lớp 2, khi tổ chức các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu dạy học trực tuyến; giáo viên được hướng dẫn sử dụng phần mềm, có các kĩ năng cần thiết khi tổ chức dạy học trực tuyến; phụ huynh học sinh được thông báo lịch học, hướng dẫn sử dụng và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng phối hợp cùng giáo viên hỗ trợ cho học sinh trong quá trình học trực tuyến tại nhà;
Bộ GD-ĐT cũng nêu: “Thời khóa biểu phải được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các môn học, phân bổ hợp lý về thời lượng dạy học trong tiết học, buổi học, thời điểm tổ chức học trong ngày và trong tuần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không gây áp lực đối với học sinh; ưu tiên dạy học môn tiếng Việt và môn toán đảm bảo giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc, viết, nói và nghe, kỹ năng tính toán và các kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu theo quy định; thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập, sử dụng kho học liệu điện tử kèm theo các bộ sách giáo khoa để xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến.

Học vần môn tiếng Việt trên truyền hình

Trong trường hợp không đủ điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến theo quy định, các cơ sở giáo dục phối hợp cùng phụ huynh học sinh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình trong chuyên mục “Dạy tiếng Việt lớp 1” đã được Bộ GD-ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV7) xây dựng để giúp các em học sinh lớp 1 học phần học vần môn tiếng Việt và phát trên sóng (kênh) VTV7 và các ứng dụng khác bắt đầu từ ngày 6.9.2021 theo lịch cụ thể;
Các cơ sở cần hướng dẫn giáo viên sử dụng các bài giảng trong chuyên mục “dạy tiếng Việt lớp 1” để gửi bài giảng đến phụ huynh học sinh qua các ứng dụng phổ biến, thông dụng như facebook, zalo, email … phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình học sinh.
Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT sử dụng kho bài giảng trong chuyên mục “dạy tếng Việt lớp 1” và chủ động tổ chức xây dựng kho bài giảng dùng chung cho các môn học khác để tham mưu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo phát sóng trên đài truyền hình địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện), với khung giờ phù hợp, tạo điều kiện thuận tiện cho cha mẹ học sinh hướng dẫn, hỗ trợ học sinh học tập qua truyền hình; và gửi về các nhà trường để giáo viên gửi đến phụ huynh học sinh cùng phối hợp hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể, khả năng đáp ứng của gia đình học sinh.
Trước đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học nói gì?
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), từng trả lời phóng viên Thanh Niên: “Học sinh lớp 1 rất đặc thù khi chưa biết đọc, viết, giáo viên buộc phải tương tác trực tiếp, “cầm tay, nắn chữ” để dạy những chữ cái, chữ số đầu tiên cho các em. Việc dạy học trực tuyến không thể áp dụng máy móc khiến học sinh bị thiệt thòi.
Trong mọi trường hợp, chúng ta phải đặt an toàn của học sinh lên trên hết, nhưng song song với đó cần đảm bảo quyền lợi được học tập một cách có chất lượng cho các em. Quan trọng nhất là làm thế nào để học sinh lớp 1 được tương tác trực tiếp nhiều nhất với thầy cô giáo”.
Do vậy, theo ông Tài, những địa phương đang an toàn về dịch có thể tổ chức cho các em tới trường làm quen nề nếp, học tập và tương tác trực tiếp với giáo viên trong điều kiện phòng chống dịch bệnh. Những địa phương không thể tập trung được hết học sinh tới trường thì có thể thực hiện “tập trung kiểu giãn cách”, ví dụ chia nhỏ quy mô lớp để đảm bảo giãn cách và ưu tiên phòng học cho học sinh lớp 1.
Ông Tài còn cho biết, trường hợp bất khả kháng, các địa phương có thể căn cứ tình hình thực tế diễn biến dịch và thẩm định đã cho phép trong khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD-ĐT, để quyết định thời điểm cho học sinh lớp 1 đi học. Thời điểm này có thể muộn hơn mốc 5.9.
“Trong trường hợp đã áp dụng linh hoạt các biện pháp, sử dụng hết 15 ngày theo thẩm quyền cho phép, mà địa bàn nào đó vẫn không thể cho học sinh kết thúc năm học, thì địa phương báo cáo Bộ GD-ĐT kế hoạch thực hiện của mình, để có hướng dẫn việc nới khung cho riêng lớp 1 cần ưu tiên học trực tiếp này”, ông Tài hướng dẫn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.