Bộ GD-ĐT cần trả lời chính thức

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
22/07/2010 22:58 GMT+7

Sau khi đăng ý kiến của các nhà giáo có chuyên môn về sai sót trong đề thi ĐH môn Tiếng Anh và đáp án môn Hóa thi CĐ, đến nay dư luận vẫn chưa thấy câu trả lời chính thức từ Bộ GD-ĐT.

GS Nguyễn Minh Thuyết (ảnh) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nói: “Tôi cho rằng những nhận xét của GS Nguyễn Văn Tuấn, một người Việt Nam đang công tác tại trường ĐH ở một nước nói tiếng Anh về đề thi tiếng Anh, rất đáng để chúng ta quan tâm. Theo tôi hiểu, nhậnxét của GS Tuấn có mấy ý chính: thứ nhất, người làm đề thi đã trích dẫn một số tài liệu mà không ghi nguồn; thứ hai, do sửa chữa tài liệu trích dẫn nên đã tạo ra một số cách dùng từ, cách diễn đạt không thật chuẩn xác. Những sơ sót kiểu như vậy cần được rút kinh nghiệm một cách sâu sắc. Cũng may là những lỗi này không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của thí sinh. Bộ GD-ĐT cần sớm có câu trả lời chính thức về vấn đề này, chứ khôngnên im lặng.

* Về ý kiến của GS Tuấn, từ năm 2006 đến nay, đề thi tiếng Anh ĐH đều lấy từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau nhưng không trích dẫn nguồn trong đề thi và cho rằng đây là hành động “đạo văn”. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

- Nói “đạo văn” có thể không đúng bản chất sự việc, nhưng về nguyên tắc, lấy tài liệu không do mình viết ra thì phải ghi rõ nguồn. Ví dụ trong đề thi Văn, nếu trích một ý kiến, một đoạn văn để thí sinh phân tích thì cũng phải chú thích ý kiến đó, đoạn văn đó là của ai, trong tác phẩm nào. Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định: “trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại” thì “không phải xin phép, không phải trả nhuận bút, thù lao”, nhưng “phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm”.

Sau này, ở một số môn nhất định, chúng ta có thể mua bản quyền và sử dụng đề thi của một số nước, nhưng càng hội nhập sâu rộng với thế giới thì chúng ta càng phải tuân thủ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

* Việc sao chép để làm đề thi như vậy có ổn không, thưa ông?

- Những người được Bộ GD-ĐT mời ra đề thi tiếng Anh thì khó có thể sai ngữ pháp tiếng Anh nhưng vì không sống ở môi trường sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ nên cũng dễ mắc những lỗi về chuẩn mực. Do đó, nếu đề thi có yêu cầu trích dẫn văn bản thì nên trích văn bản của người bản ngữ để đảm bảo độ chuẩn xác về từ ngữ cũng như cách diễn đạt. Cũng không nên trích dẫn văn bản của nước không nói tiếng Anh hoặc văn bản trên internet. Và dĩ nhiên là cần chọn văn bản có nội dung phù hợp với chuẩn mực văn hóa, xã hội Việt Nam.

* Thưa ông, Bộ GD-ĐT đầu tư rất lớn cho việc ra đề nhưng năm nào cũng có những sai sót về đề thi và đáp án. Ông có cảm thấy băn khoăn về hiện tượng này?

- Trong công việc, người ta khó có thể tránh khỏi sai sót. Nhưng có những việc không được phép sai sót, trong đó có việc ra đề thi. Qua theo dõi, tôi thấy rằng Bộ GD-ĐT đầu tư cho khâu ra đề là nghiêm túc nhưng cũng cần rút kinh nghiệm xem sai sót thường xảy ra do đâu: do quy trình thực hiện chưa thật chặt chẽ hay do cách chọn người làm đề.

Không trả lời sẽ gây tâm lý bất an
Trong đợt thi vào các trường CĐ vừa qua, ngay sau buổi thi môn Hóa, tôi đã có ý kiến trên Báo Thanh Niên về câu 52 (mã đề 516, khối A, phần dành cho Ban Nâng cao). Theo đó đáp án của Bộ GD-ĐT chọn 4 amin thơm bậc một cho công thức phân tử C7H9N là không đúng, lý do vì C6H5CH2NH2 không phải là amin thơm.
Ngay sau bài báo trên, tôi đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các giáo viên. Tất cả ý kiến đều thống nhất quan điểm rằng benzylamin không thể là amin thơm, đơn giản vì benzylamin tan vô hạn trong nước và dung dịch làm xanh được quỳ tím (xin lưu ý là amin thơm không có tính chất này).Tôi xin dẫn ra 3 nguồn tư liệu về amin thơm:
Thứ nhất trong cuốn Bài tập định tính và câu hỏi thực tế Hóa học 12 của NXB Giáo dục in năm 2006 (tác giả PGS-TS Nguyễn Hữu Đĩnh và PGS-TS Lê Xuân Trọng) ở trang 27 có định nghĩa “Amin mà trong phân tử, nguyên tử N liên kết trực tiếp với nguyên tử C của vòng thơm được gọi là amin thơm”. Hai tác giả này cũng là người viết SGK lớp 12 Ban Nâng cao, hiện đang lưu hành trong cả nước. Nếu chọn 4 amin thơm cho C7H9N, tức Bộ GD-ĐT cho rằng tác giả SGK đã sai?
Thứ hai trong tài liệu Organic Chemistry/Amines (có viết “Amin thơm có nguyên tử N gắn trực tiếp vào cấu trúc vòng thơm. Vì tính chất rút electron của vòng thơm nên vòng thơm làm giảm tính bazơ của amin rất lớn” (tạm dịch từ tiếng Anh).
Thứ ba, ta biết rằng trong amin thơm có xảy ra hiệu ứng liên hợp giữa cặp electron chưa tham gia liên kết trên N với vòng thơm khiến mật độ điện tích âm trên N của amin thơm giảm, làm lực bazơ của amin thơm rất yếu (yếu hơn cả NH3; không làm dung dịch quỳ tím đổi màu). Trong khi đó, ở trang 62, bài 4, phần b, SGK lớp 12 Ban Nâng cao có yêu cầu học sinh trả lời vì sao “benzylamin làm xanh được dung dịch quỳ tím, còn anilin thì không có khả năng này?”. SGK đã hỏi như vậy thì benzylamin có phải là amin thơm không?
Như vậy không thể xếp benzylamin vào amin thơm được. Bộ GD-ĐT cần nhận ra điều này để giáo viên và học sinh có một khái niệm đúng về amin thơm, vì nếu không sẽ gây tâm lý hoang mang, bất an trong việc dạy và học. Ngoài ra, nếu Bộ thừa nhận sai sót trong đáp án nói trên thì cũng sẽ tạo nên sự công bằng cho các thí sinh và giữ vững kỷ cương trong thi cử.
Nguyễn Đình Độ (Tổ trưởng tổ Hóa trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.