Hôm nay, 10.7, tại Trường đại học Phenikaa (Hà Nội), các nhà khoa học lĩnh vực vật lý đã tổ chức tọa đàm Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vật lý.
Mục tiêu của tọa đàm là trao đổi về các xu thế phát triển vật lý của thế giới và hướng tiếp cận của vật lý Việt Nam, trong đó có thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để phục vụ cho sự thịnh vượng của quốc gia trong hoạt động nghiên cứu lĩnh vực vật lý.
Vật lý Việt Nam có “làm” ra tiền được hay không?
Mở đầu tọa đàm, GS Trần Xuân Hoài, Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam), đặt vấn đề: nghiên cứu là biến từ tiền thành kiến thức, đổi mới sáng tạo là biến kiến thức thành tiền, vậy vật lý có làm ra tiền được không? Câu trả lời của GS Hoài là có, thậm chí rất nhiều. Ví dụ, các ngành nghề kinh doanh có lõi dựa trên vật lý, mỗi năm ở Anh đóng góp 177 tỉ bảng và chiếm 6,7% lao động, ở Ireland là 23 tỉ euro và 8,6% lao động.
“Vậy, vật lý Việt Nam có làm ra tiền được hay không?”, GS Hoài tiếp tục đặt câu hỏi. Để trả lời câu hỏi này, GS Hoài đã phân tích về triển vọng nghiên cứu một số chuyên ngành vật lý chuyên sâu có thể sẽ “ra tiền” ở Việt Nam, và cho rằng đó là một gợi ý để các nhóm nghiên cứu trong nước có thể “mạo hiểm”.
Theo GS Hoài, quan trọng là phải tìm đúng chuyên ngành mà kết quả nghiên cứu cho ra sản phẩm có thị trường đủ lớn trong nước, có tính khả thi (về vốn, thiết bị, kinh nghiệm, nhân lực)… Về hình thức “chuyển” nghiên cứu thành “tiền”, thế giới có doanh nghiệp khởi nguồn (spin off) và doanh nghiệp khởi nghiệp (start up). Hình thức thứ nhất không tồn tại trong vật lý Việt Nam hiện nay, còn hình thức thứ 2 thì khả dĩ trong khoảng 5 năm tới.
Cần thay đổi quan niệm
PGS Nguyễn Ái Việt, Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), đặt vấn đề: vật lý có thể trở lại vai trò dẫn đầu đổi mới công nghệ hay không? Trong bối cảnh thế giới thay đổi từng ngày, ngành vật lý phải làm gì để không biến mất?
PGS Việt khẳng định vật lý vẫn đóng vai trò chủ đạo trong khoa học công nghệ, kèm theo dẫn chứng về các lĩnh vực kinh tế rất phát triển trên thế giới hiện nay mà nền tảng khoa học có sự đóng góp của ngành vật lý. Vấn đề là các nhà vật lý trong nước cần phải thay đổi quan niệm. Không thực hiện các chương trình vật lý riêng rẽ, chia theo lĩnh vực như chia cỗ, hệ quả không giải quyết được bài toán lớn nào và không phát triển được.
Cần phải có các chương trình hướng tới các vấn đề liên ngành. Phải để cho các ngành khác xâm nhập vào các vấn đề lớn của vật lý, tạo cơ hội cho vật lý xâm nhập vào các ngành khác. Cần quan tâm vào các vấn đề thiết thực mà xã hội Việt Nam đang đặt ra. Chẳng hạn về biến đổi khí hậu, một loạt vấn đề cần đến các nhà vật lý giải quyết như đồng bằng sông Cửu Long ngập mặn, bụi mịn tại Hà Nội; về năng lượng, Việt Nam đang phải mua điện của Trung Quốc, thủy điện cạn kiệt… Rồi vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải công nghiệp, y tế, công nghệ sản xuất thiết bị dân dụng, y tế, thể thao, trò chơi…
“Chúng ta phải tăng cường tư duy liên ngành, thông qua chương trình dự án lớn, hướng tới vấn đề kinh tế - xã hội, con người hoặc công nghiệp. Thay đổi chương trình đào tạo, lập trình thành thạo phải là kỹ năng tối thiểu với mỗi sinh viên học ngành vật lý. Chúng ta phải đào tạo ra những người có tư duy khởi nghiệp, có kiến thức bao quát và biết nhìn về tương lại. Chương trình đào tạo cần tăng các môn tự chọn và cần thay đổi thường xuyên”, PGS Việt đề xuất.
Phải phục vụ sự thịnh vượng quốc gia
GS Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch Hội đồng ngành vật lý, Hội đồng Giáo sư nhà nước, người chủ trì cuộc tọa đàm, chia sẻ: “Chúng ta không có ý định bài xích, làm giảm uy tín của vai trò nghiên cứu cơ bản. Bởi, để có một đại học đổi mới sáng tạo, trước hết là phải nghiên cứu và nghiên cứu xuất sắc. Nhưng đại học phải có tinh thần đổi mới, gia tăng được giá trị kinh tế cho hoạt động nghiên cứu”.
Theo GS Đức, hiện nay, hoạt động nghiên cứu, đào tạo của đại học mới chỉ đưa ra được sản phẩm trung gian nếu xét từ góc độ lợi ích kinh tế của đại học. Sản phẩm đào tạo của trường đại học là sinh viên, các em ra trường đi làm đóng góp cho xã hội nhưng đó là ngoài khuôn viên trường đại học. Còn trong khuôn viên trường đại học, việc không mang lại lợi ích vật chất nào ngoài nguồn thu học phí.
Hoặc với hoạt động nghiên cứu, nếu chỉ dừng lại ở công bố quốc tế thì trường đại học cũng không gia tăng được giá trị nào. Vì thế, vấn đề đặt ra là làm sao từ hoạt động nghiên cứu, đại học phải tìm cách gia tăng được giá trị kinh tế, gia tăng được giá trị xã hội và phục vụ được sự thịnh vượng quốc gia.
Giải pháp cho vấn đề này là thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu hàn lâm và thương mại hóa sản kết quả nghiên cứu. Tốt nhất là đại học và viện nghiên cứu chủ động thay đổi hệ sinh thái, phải đổi mới cấu trúc của đại học: cái lõi của đại học là nghiên cứu và phát minh, trong đó bao gồm không gian sáng tạo, có phòng thí nghiệm trọng điểm, có viện nghiên cứu; đồng thời mở rộng ra ngoài thông qua việc thành lập các vườn ươm doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp xã hội…
GS Đức so sánh: “Vì lợi ích trăm năm thì nghiên cứu để có bài báo ISI, vì lợi ích 10 năm và thịnh vượng quốc gia thì thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đó là tư tưởng quan trọng nhất mà chúng ta muốn chuyển tải trong tọa đàm hôm nay”.
Muốn đất nước thịnh vượng thì không chỉ dừng lại ở số bài báo ISITrao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên bên hành lang cuộc tọa đàm, GS Nguyễn Hữu Đức cho biết, trong giai đoạn vừa qua, ngành vật lý đóng góp rất đáng kể vào nền khoa học công nghệ nói chung 2 chỉ số đáng lưu ý: số bài báo quốc tế và chỉ số đổi mới sáng tạo.
Nhưng khi tự vấn về trách nhiệm với sự phát triển của đất nước, các nhà khoa học vật lý thấy dừng lại ở đó chưa đủ. Muốn đất nước thịnh vượng thì không chỉ dừng lại ở số lượng bài báo ISI.
“Tất cả các nhà vật lý phải dấn thêm một bước nữa là đổi mới sáng tạo để đưa tri thức ra thực tiễn”, GS Đức nói.
|
Bình luận (0)