Cách đánh giá học sinh hiện nay gây nhiều hệ lụy

09/09/2019 09:31 GMT+7

Bài Không nên đánh giá học sinh chỉ ở hạnh kiểm và học lực trên Báo Thanh Niên số ra ngày 7.9 phản ánh rất đúng về bất cập trong việc đánh giá học sinh (HS).

Việc đánh giá hiệu quả giảng dạy của giáo viên và việc học của HS chỉ dựa vào điểm số của một số bài kiểm tra như hiện nay là vẫn còn lạc hậu.
Quan trọng hơn, nó dẫn đến nhiều hệ lụy và là rào cản cho lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sắp tới đây. Bởi cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông mới là đổi mới ở 5 phương diện: mục tiêu giáo dục, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, cách thức kiểm tra đánh giá và cách quản lý. Trong đó việc đổi mới cách kiểm tra đánh giá là rất quan trọng. Nó hướng đến cách đánh giá năng lực (gồm hiểu biết, kỹ năng và thái độ của người học), khác với cách đánh giá nặng về kiến thức trước đây.
Tuy nhiên, kế hoạch giảng dạy của hầu hết các tổ bộ môn hiện nay chủ yếu là các bài kiểm tra lý thuyết rất hàn lâm theo kiến thức đóng, học gì thi nấy, cách đánh giá quá xem trọng điểm số. Nhiều trường phổ thông coi đó là “tôn chỉ” của việc dạy và học, và chủ trương của ngành giáo dục là hướng đến việc kiểm tra đánh giá mở, chú trọng kỹ năng của HS trong đa dạng các hoạt động đã bị những “tôn chỉ” này ngãng đường.
Chẳng hạn ở môn văn, cách đánh giá HS hiện nay chỉ dừng lại ở đọc và viết. Trong khi đó môn văn rất cần kỹ năng nói. Nếu cứ chú trọng học để thi, học vì điểm thì HS chúng ta sẽ giỏi viết trên giấy nhưng lại vụng về khi giao tiếp. Lối học “vẹt”, thiếu sáng tạo, quá lệ thuộc tài liệu của HS, suy cho cùng cũng từ đây mà ra.
Cùng với đó, việc đánh giá xếp loại giáo viên bằng hiệu quả giảng dạy qua điểm số các bài kiểm tra định kỳ của HS là quá phiến diện. Nó dẫn đến hệ lụy là giáo viên tùy tiện cắt xén chương trình học để dạy học “tủ” những trọng tâm. Hơn nữa nó sẽ là rào cản, làm cho giáo viên ngại đổi mới việc dạy học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.