Ở Mỹ, kể cả trường ĐH công hay tư thì Hội đồng trường, Hội đồng quản trị sẽ quyết định nhân sự và lương của hiệu trưởng. Vai trò lãnh đạo một trường ĐH lớn không hề đơn giản nên lương của hiệu trưởng cao cũng là bình thường.
Tuy nhiên, trường hợp của Trường ĐH Tôn Đức Thắng vẫn có nhiều điểm chưa rõ ràng. Nếu chưa có Hội đồng trường thì dưới sự quản lý của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, quyền tăng lương như thế nào phải thuộc cơ quan chủ quản quyết định và cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm cho việc tăng lương đó. Mặt khác, theo cơ chế tự chủ ĐH đang diễn ra thì nếu có Hội đồng trường, đây là nơi quyết định và chịu trách nhiệm về lương của hiệu trưởng. Quyền quyết định tăng lương không nằm ở hiệu trưởng mà ở những tổ chức này. Vì vậy, nếu hiệu trưởng tự ra quyết định tăng lương thì không đúng. Nhưng nếu có quyết định, công văn của cơ quan chủ quản đồng ý tăng mức lương hằng năm thì cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm về mức lương này.
Hội đồng trường đưa ra mức lương cho hiệu trưởng là điều cực kỳ quan trọng. Hiệu trưởng đạt được mục tiêu mà Hội đồng trường đặt ra thì có thể tăng lương nhiều lần tương xứng dựa trên giá trị mà hiệu trưởng mang lại.
Cơ chế trả lương đó nên áp dụng cho một hệ thống chung, đặc biệt là các trường ĐH hiện nay. Không thì cứ luẩn quẩn chuyện cán bộ, giảng viên lương thấp, rồi đi làm thêm, tạo ra sự rối loạn khắp nơi. Hiệu trưởng lương cao không phải là vấn đề nếu giá trị mang lại lớn. Nhưng nó phải nằm trong bối cảnh chung của hệ thống trường đang vận hành. Việc trả lương đó cũng phải gắn với cơ chế kiểm soát, tính minh bạch, tính giải trình trong trách nhiệm tổng thể của trường ĐH phải có.
Trường ĐH tư thục ở Việt Nam hiện nay thường dựa trên căn cứ cụ thể để trả lương, nhiều nơi dựa trên KPI về số lượng sinh viên tuyển được. Tuy nhiên, làm vậy khá “lộ liễu”, không đúng với tầm vóc của một hiệu trưởng trường ĐH. Các trường ở nước ngoài không “lộ liễu” như vậy mà tế nhị hơn bằng cách đánh giá hiệu trưởng, có cam kết thời gian bổ nhiệm, đưa ra mức lương dựa trên mục tiêu hai bên cam kết. Tới mức độ nào đó, hiệu trưởng không đạt được mục tiêu thì sẽ bị sa thải. Mục tiêu này rộng hơn chứ không bắt hiệu trưởng chịu trách nhiệm chính cho việc tuyển sinh như một số trường ĐH tư thục ở Việt Nam.
Tuy nhiên cần phá vỡ cơ chế trả lương hiện nay để đi tới một tư duy đột phá rằng dù công hay tư, nếu hiệu trưởng mang lại giá trị thì “phần thưởng” mang lại cho họ phải tương xứng nhưng phải minh bạch và rõ ràng.
Trần Đức Cảnh
(Thành viên Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực)
(Thành viên Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực)
Bình luận (0)