Cháu tôi học lớp 1, vừa tập tành làm quen việc học đã bắt đầu đối diện với kỳ kiểm tra đầu tiên trong đời mình: thi học kỳ. Một tuần trước, ngoài thời gian học ở trường, hầu như tối nào cháu cũng phải gò mình bên bàn học để luyện chữ và làm các phép tính. Ngoài một số bài kiểm tra mẫu mà cô giáo đã cho làm ở lớp, bố mẹ cháu còn tích cóp thêm nhiều dạng bài khác để cháu luyện tập.
Khi tôi đem điều này tâm sự với bạn bè thì bắt gặp nhiều tiếng lòng “đồng cảnh ngộ”: cũng áp lực, chiến đấu trong mệt mỏi với bài vở của con cái. Hình như mọi người vẫn đang quay cuồng trong vòng xoáy của điểm số và thành tích mà quên mất rằng con trẻ chỉ mới là một học sinh tiểu học.
Áp lực học tập đến từ đâu? Nhà trường, thầy cô ép các con phải học vì thành tích, thương hiệu của trường lớp ư? Chỉ đúng một phần. Áp lực lớn nhất, khủng nhất, gần gũi nhất lại chính là từ những ông bố bà mẹ mê thành tích, chuộng con điểm tuyệt đối và ảo tưởng về danh hiệu, bằng khen, giải thưởng.
Tôi vừa cảm thấy thương cho những ông bố bà mẹ đặt ưu tiên việc học, việc thi của con lên hàng đầu vừa thấy buồn khi không ít phụ huynh vẫn đang biến việc thi cử trở thành gánh nặng. Chính bố mẹ đang cướp mất tuổi thơ tươi đẹp của con cái.
Một cơ thể khỏe mạnh, một sức khỏe dẻo dai và quan trọng hơn hết là một cái đầu tỉnh táo, minh mẫn là điều kiện cần và đủ để mỗi đứa trẻ có thể học hành, sinh hoạt. Vậy nhưng, ngay đến những nhu cầu thiết yếu hằng ngày là ăn, ngủ, nghỉ của các con đang bị xà xẻo, chiếm dụng không thương tiếc. Cơn mộng mị sợ trễ giờ đến lớp, nỗi lo bài kiểm tra điểm thấp, cuộc rượt đuổi không hồi kết về thành tích… đang biến việc học thành cơn ác mộng của không ít đứa trẻ.
Điểm số quan trọng, nhưng chúng ta cần những đứa trẻ chỉ biết học hay đứa con phát triển mạnh về thể chất, khỏe về tâm hồn?
Thành tích cũng quan trọng, nhưng chúng ta muốn con cái mình là robot đeo kính cận hay con trẻ giàu yêu thương, biết quan tâm và có vốn kỹ năng sống thiết yếu?
Xin hãy để những kỳ thi của con trẻ trôi qua trong nhẹ nhàng. Giá như bố mẹ chỉ thêm vào đó một chút xíu “gia vị” của áp lực thì có lẽ căn bệnh thành tích đã không đến nỗi trầm kha như thế!
Bình luận (0)