Chuyện cảm động ở ‘trường quê’ giữa TP.HCM: Trò nghèo ôm gà tới tặng cô giáo

Thúy Hằng
Thúy Hằng
24/07/2020 17:26 GMT+7

Cảm động trước tấm lòng cô giáo dành cho mình, trò nghèo nuôi được con gà, trồng được trái mướp ngon cũng mang đi tặng cô... là những câu chuyện ấm áp tình người ở Trường THPT Bình Chánh, ‘trường quê’ giữa TP.HCM.

Nằm ở xã Bình Chánh, H.Bình Chánh, ngoại thành TP.HCM, nơi vẫn còn mênh mông đồng ruộng, sông nước, Trường THPT Bình Chánh được gọi như “trường quê” trong lòng thành phố. Đặc thù là ngôi trường nằm ở vùng ven, trường có nhiều con em của những phụ huynh là người lao động nhập cư, người ở trọ đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước về TP.HCM lập nghiệp. Nhưng trong hoàn cảnh đó, nơi này không thiếu những câu chuyện thấm đẫm tình người mà thầy và trò, bạn bè dành cho nhau.

Nhà trồng được trái mướp cũng mang tặng cô

Sinh ra và lớn lên ở xã Bình Chánh, học 3 năm ở Trường THPT Bình Chánh, sau khi tốt nghiệp ĐH cũng về chính ngôi trường này dạy học, thầy Đặng Văn Út, Phó hiệu trưởng đã có tất cả 41 năm gắn bó với mái trường quê. Đi qua những thăng trầm, chứng kiến lớp lớp học sinh lớn lên, thầy Út nhớ nhiều hơn cả những học trò vô cùng khó khăn nhưng nghị lực mạnh mẽ, vươn lên từ trong gian khổ.
“Cậu học trò tên Khá, hai mẹ con quê ở Quảng Nam di cư vào Sài Gòn, vì thiên tai mà mất hết cả giấy tờ tùy thân, thậm chí không có cả chứng minh nhân dân. Mẹ em làm thuê, em thì đi dắt bò thuê cho người ta, ngủ ở chuồng bò. Trước khi em ấy thi tốt nghiệp THPT, giáo viên, hội phụ huynh và các em học sinh trong trường mỗi người góp một ít để em ấy và mẹ được về quê làm lại giấy tờ tùy thân. Khá rất ngoan, có ý chí học và năm nào cũng nhận được học bổng. Sáng nào Khá cũng đi học trễ vì phải dắt bò, hiểu hoàn cảnh của em, chúng tôi đặc cách luôn, không phạt gì. Người Khá có một mùi rất đặc trưng là... mùi bò. Nhưng em ấy rất lạc quan, có tài thổi sáo trúc, Khá còn lập một câu lạc bộ thích thổi sáo trong lớp”, thầy Út xúc động kể lại cậu học trò đã ra trường mấy năm trước.

Một góc Trường THPT Bình Chánh

Ảnh Thúy Hằng

Trường nằm ở ngoại thành TP,HCM, xung quanh trường vẫn còn mênh mông ruộng, vườn, trâu bò

Ảnh Thúy Hằng

Thầy Phan Văn Đông, giáo viên ngữ văn, kiêm phụ trách học vụ của Trường THPT Bình Chánh thì không quên học trò Khá vì một chi tiết, nhà em rất nghèo, trong nhà nuôi được con gà là tài sản quý, vì cảm động trước tấm lòng của cô giáo chủ nhiệm nhiều năm giúp đỡ em, em mang cả con gà tới nhà cô tặng. Cô giáo nhất định chối từ, còn tặng quà để Khá mang về cho em và mẹ.
“10 năm trước tôi cũng nhiều lần chứng kiến học trò xách cả trái mướp nhà trồng được để tặng các cô giáo mà các em yêu quý, nhà có gì quý là các em mang tặng thầy cô cả”, thầy Đông bồi hồi.

Kiều Thị Ngọc Mỹ, học sinh lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ cùng bệnh nặng mà Báo Thanh Niên từng chia sẻ nhận được học bổng từ nhà trường

Ảnh Thúy Hằng

Năm nào cũng làm hồ sơ cho các em học sinh vào trường, những trường hợp học trò khó khăn chẳng bao giờ còn xa lạ với thầy Đông, chỉ khác nhau là khó tới mức nào, còn cha mẹ hay đã mồ côi. “Tôi rất buồn khi đọc hồ sơ của nhiều em, cha mẹ bệnh nặng, cha mẹ làm thuê đông con, rồi rất nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ, bà con cũng nghèo”, thầy Đông trầm ngâm. Tất cả mọi trường hợp đều được tổng hợp lại, vận động các quỹ từ cựu học sinh, các mạnh thường quân, các phụ huynh có điều kiện khá hơn và tiền lương của các thầy cô trích ra để trao học bổng cho các em thành nhiều đợt trong năm học.

Góp tiền mua hòm cho mẹ của trò nghèo

Cô Nguyễn Hoàng Phượng Quyên, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Chánh, cũng là người sinh ra và lớn lên ở xã Bình Chánh đặc biệt nhớ câu chuyện cảm động về một cựu học sinh nhà trường tên là Tiên.
Nữ sinh có hoàn cảnh quá khó khăn, cha mẹ đi làm thuê cho một xưởng và không đủ tiền thuê trọ, phải ở nhờ một góc nhỏ trong xưởng. Một ngày, mẹ nữ sinh lâm bệnh nặng, qua đời, không thể làm đám tang trong xưởng, mà nhà không có, nữ sinh phải làm đám tang cho mẹ trong một cái miếu của làng. Tình cảnh khó khăn đến mức Tiên và cha không đủ tiền mua hòm cho mẹ.

Cô Quyên (bìa trái) hiệu trưởng nhà trường, thầy Út (bìa phải) phó hiệu trưởng nhà trường cùng các học sinh

Ảnh Thúy Hằng

“Chúng tôi thấy hoàn cảnh của em quá đáng thương, tội nghiệp nên vận động mọi người trong trường, thầy cô, phụ huynh, học sinh và cả các em cựu học sinh cùng đóng góp mua hòm cho mẹ em Tiên. Sau đó cựu học sinh làm cho em một sổ tiết kiệm để sau này em có vốn để bước vào đời khi không còn mẹ”, cô Quyên xúc động.
Nhưng điều đáng quý là, các trò nghèo đều có ý chí, đặc biệt, nhiều em có lòng tự trọng rất cao, không vì nghèo mà tham lam. Cô Quyên chưa quên một cô học trò gia cảnh rất nghèo được hội phụ huynh nhà trường tặng cho một chiếc xe đạp nhưng kiên quyết không lấy, "Em nói với tôi năm ngoái con đã được mọi người tặng xe đạp rồi, con xin nhường phần này cho các bạn còn khó khăn hơn con”.
Bao năm trôi qua, những thăng trầm đi qua ngôi "trường quê" ở TP.HCM chẳng đong đếm hết. Những người thầy ở nơi này chia sẻ, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của họ là biết tin nhiều em khó khăn tốt nghiệp THPT đi học nghề, bây giờ đã có một cuộc sống tươm tất hơn. Nhiều em là trò nghèo trước đây, khi đã ổn định cuộc sống thì quay lại giúp đỡ các bạn còn đang gian khó...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.