Công nghệ thay đổi giáo dục ra sao trong năm 2021 ?

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
18/02/2021 08:43 GMT+7

Giáo dục trong năm 2021 sẽ biến đổi như thế nào trong một thế giới đầy biến động và khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khắp toàn cầu?

Bắt buộc phải thích ứng với học trực tuyến

Ngày 16.1 vừa qua, Trường ĐH Fulbright Việt Nam đã cùng EdTech Asia và InnoLab Asia đồng tổ chức hội thảo Công nghệ giáo dục Việt Nam. Tại hội thảo, ông Joshua James, cựu Giám đốc Trung tâm đào tạo của ĐH Anh quốc tại Việt Nam, cho rằng 99,9% trường học trên thế giới bị bất ngờ bởi ảnh hưởng của đại dịch. Những năm qua, mọi người không ngừng nói về việc học trực tuyến. Họ cho rằng nó sẽ sớm phổ biến, nhưng chưa phải bây giờ, cần chờ thêm chút thời gian. Nhưng rồi Covid-19 đột ngột xuất hiện, và chúng ta không còn lựa chọn nào khác. Thị trường buộc phải sẵn sàng dù có muốn hay không.
Việc “buộc phải sẵn sàng” đã khiến cho giáo dục thay đổi. Trong đó, công nghệ là thứ đã và đang làm thay đổi giáo dục một cách sâu sắc. Đại dịch Covid-19 diễn ra trong suốt năm qua là “hàn thử biểu” về tính thích ứng, linh hoạt của những người làm giáo dục. Những xáo trộn mà Covid-19 gây ra để lại những bài học sâu sắc, tạo ra không gian để các tổ chức giáo dục phải sáng tạo và tìm cách thích nghi sâu với tình trạng dạy và học truyền thống bị gián đoạn. Không thể phủ nhận công nghệ đã thúc đẩy một nền giáo dục mở, thu hẹp mọi không gian, giúp con người tiếp cận tri thức, thông tin đa chiều.
Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Trường ĐH Fulbright Việt Nam, cho rằng: “Một bài toán chung mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt là làm thế nào để đảm bảo lực lượng lao động trong tương lai của Việt Nam được trang bị đầy đủ để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của khu vực. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra những xáo trộn trên toàn thế giới, các tổ chức giáo dục càng phải sáng tạo và thích nghi với tình trạng dạy và học truyền thống bị gián đoạn. Câu hỏi được đặt ra là làm sao để đảm bảo học sinh vẫn có thể tích cực tham gia học tập, các nhà giáo sử dụng công nghệ một cách hiệu quả và khuyến khích học sinh tư duy phản biện dù ở trong lớp học hay đằng sau màn hình máy tính”.

Học tiếng Anh bằng thực tế ảo

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, người ta nói rất nhiều đến sự thay đổi ở các trường ĐH và trường phổ thông. Điều này cũng dễ hiểu bởi có hàng triệu học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chính các trung tâm Anh ngữ mới là nơi biến đổi mạnh mẽ nhất để tồn tại qua việc thu hút học viên.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tổ hợp giáo dục EQuest Group, tập đoàn sở hữu IvyPrep Education, thời gian vừa qua bước đi quyết định của trung tâm này là chuyển tất cả học viên sang học chương trình phổ thông Mỹ theo hình thức trực tuyến và kết hợp với học tại trung tâm khi hết dịch.
Ông Nguyễn Hồng Nam, Giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục YOLA (sở hữu Hệ thống Trung tâm tiếng Anh YOLA), cho biết đơn vị này đã hỗ trợ hàng chục ngàn học viên chuyển đổi trực tiếp sang nền tảng YOLA Smart Learning để việc học không bị gián đoạn. Ban lãnh đạo định hướng việc học trực tuyến sẽ tiếp tục trong tương lai chứ không chỉ là giải pháp tạm thời.
Sau giai đoạn mở rộng hệ thống và đưa những cách học tiếng Anh mới như ESL, Blended Learning, dự án tư duy sáng tạo…, vừa qua ban lãnh đạo Apax Leaders bắt đầu kế hoạch nâng cấp chương trình học lên phiên bản mới nhất. Theo đại diện Apax, các thành tựu mới nhất của công nghệ 4.0 thế giới như AI, AR, VR, Big Data và Block Chain cùng hội tụ đầy đủ trong bản nâng cấp lần này.
Theo báo cáo của trang nghiên cứu thị trường Ken Research, thị trường giáo dục trực tuyến tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) đạt hai con số trong giai đoạn từ năm 2013 - 2018. Trang nghiên cứu này dự báo trong giai đoạn 2019 - 2023 thị trường giáo dục trực tuyến tại Việt Nam sẽ tiếp tục đạt tốc độ CAGR hai con số và được thúc đẩy bởi các công nghệ tiên tiến mới nổi như thực tế ảo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.