Dạy học trực tuyến là bắt buộc
Một số địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp đã quyết định cho học sinh (HS) nghỉ học trực tiếp đến hết tháng 2 và triển khai dạy học trực tuyến như yêu cầu bắt buộc chứ không chỉ dừng ở khuyến khích.
Hà Nội đã cho tất cả HS không đến trường đến hết ngày 28.2. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết yêu cầu bắt buộc là trong thời gian HS nghỉ học, các trường tiểu học, THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên phải tổ chức dạy học trực tuyến cho HS theo các hướng dẫn trước đó của Sở GD-ĐT.
Ông Tiến cũng cho biết Sở GD-ĐT yêu cầu các nhà trường duy trì và ổn định nền nếp, chất lượng dạy học ngay từ tiết học đầu tiên khi HS trở lại học tập sau kỳ nghỉ tết. Quan tâm toàn diện việc học tập, rèn luyện của từng HS, có biện pháp giúp đỡ kịp thời các em có hoàn cảnh khó khăn về điều kiện học tập qua internet, hạn chế về khả năng học tập và tự học.
Sắp ban hành quy chế về dạy học trực tuyến trong trường phổ thôngTrao đổi với PV Thanh Niên chiều 16.2, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết đã có 21 tỉnh, TP báo cáo về việc quyết định chưa cho HS trở lại trưởng sau kỳ nghỉ tết.
Theo ông Thành, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến tình hình dịch bệnh và việc triển khai dạy học trực tuyến của các địa phương để có những hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp, kịp thời. Bộ cũng đang rà soát lại lần cuối dự thảo quy chế dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông để cố gắng ban hành trong tuần này, làm căn cứ pháp lý cao nhất cho các địa phương triển khai thực hiện.
Tuyết Mai
|
Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Q.Đống Đa, Hà Nội), cho biết nhà trường đã chủ động yêu cầu các giáo viên (GV) bộ môn điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình mới, chuẩn bị kỹ các nội dung dạy học trực tuyến cũng như tích cực ôn tập cho HS. Với các môn như thể dục, giáo dục quốc phòng, tin học..., GV hướng dẫn HS tự học, có kiểm tra đánh giá thường xuyên, khuyến khích làm báo cáo, kiểm tra theo nhóm...
Kế hoạch cho HS không có điều kiện học trực tuyến
Sáng nay (17.2), các trường học tại TP.HCM đồng loạt tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến trong thời gian HS ngừng học tại trường để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tránh tình trạng mỗi GV sử dụng một phần mềm sẽ gây khó khăn cho HS khi học nhiều bộ môn, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã chọn phần mềm Microsoft Teams sử dụng chung cho các lớp. Với phần mềm đã chọn, trong chiều qua (16.2), GV bộ môn tham gia giảng dạy các lớp đã chia sẻ đường dẫn để GV chủ nhiệm chuyển đến HS. Lãnh đạo Trường Nguyễn Hữu Huân cho hay thời gian này, việc dạy trực tuyến sẽ tập trung vào 9 môn học dành cho HS khối 12 là toán, vật lý, hóa học, sinh học, tiếng Anh, ngữ văn, lịch sử, địa lý, GDCD và 5 môn học là toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, tiếng Anh đối với HS khối 10, khối 11. Mỗi ngày HS sẽ học 8 tiết chia đều cho 2 buổi, sau 2 tiết học sẽ có thời gian “ra chơi” khoảng 30 phút.
Nơi học lại, nơi nghỉ tiếp, học trực tuyếnHôm nay (17.2), HS các bậc học trên toàn TP.Đà Nẵng chính thức đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Sinh viên ĐH Đà Nẵng dự kiến sẽ đi học trở lại từ ngày 22.2. Tùy thuộc vào lịch học của từng trường, từng ngành sẽ có những chương trình học trực tuyến tăng cường, đảm bảo giãn cách để phòng chống dịch.
Chiều qua 16.2, UBND tỉnh Quảng Nam cho phép trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non và HS tiểu học đến THPT, giáo dục thường xuyên, sinh viên các trường trung cấp, CĐ, ĐH trên địa bàn tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 21.2.
Tại Thừa Thiên-Huế, hôm qua 16.2, trường học đã tổng vệ sinh, phòng dịch để chuẩn bị cho HS đi học trở lại vào hôm nay. Riêng ĐH Huế sẽ tiếp tục triển khai học trực tuyến chương trình học kỳ 2 đến ngày 28.2, sau đó căn cứ tình hình để có thông báo mới. Tại Quảng Bình, HS, sinh viên nghỉ học đến hết ngày 21.2 để phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh Ninh Thuận cho HS nghỉ học từ ngày 17.2 cho đến khi có thông báo đi học trở lại. Theo Văn bản hỏa tốc số 969/UBND-VX1 của UBND tỉnh Lâm Đồng ký chiều tối 15.2, trẻ em mầm non, HS phổ thông, học viên, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đi học trở lại từ thứ tư ngày 17.2.2021. Thanh Niên
|
Với những HS không có đủ điều kiện tham gia học trực tuyến thì tổ chuyên môn xây dựng clip giảng bài gửi cho HS xem lại và GV bộ môn quản lý tình hình học tập của những HS này.
Tương tự, để đảm bảo việc dạy và học trực tuyến ổn định trong thời điểm này, Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) cũng thống nhất sử dụng chung phần mềm dạy học trong toàn trường. Nhà trường sắp xếp mỗi tiết cách nhau từ 5 đến 10 phút.
Các trường THPT tại khu vực Q.1 (TP.HCM) dành tiết học đầu tiên để GV chủ nhiệm thông báo tình hình diễn biến của dịch Covid-19. Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.1 cho hay, những ngày học đầu tiên, GV các môn sẽ cùng HS xem lại những kiến thức đã học trực tuyến trước Tết Nguyên đán, hoàn tất những bài tập một cách nhẹ nhàng coi như khởi động cho thời gian học kiến thức mới vào tuần sau. Ban giám hiệu sắp xếp thời khóa biểu mỗi buổi học không quá 4 tiết, sau các tiết học trực tuyến với GV thì HS có thời gian để hoàn tất các bài tập.
Riêng đối với bậc tiểu học, trong thời gian HS ngừng đến trường học tập trung, Sở GD-ĐT yêu cầu hiệu trưởng chỉ đạo GV xây dựng kế hoạch dạy học qua internet bằng nhiều giải pháp khác nhau, tập trung cho các môn học theo khối lớp. Chẳng hạn, đối với khối lớp 1, 2, 3 là các môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ; đối với khối lớp 4, 5 tập trung các môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, khoa học, lịch sử và địa lý.
Trong hướng dẫn chuyên môn, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, chỉ đạo tùy theo điều kiện của nhà trường, GV và HS, có thể chủ động chọn hoặc phối hợp thực hiện các giải pháp, ứng dụng khác đáp ứng được nhu cầu học tập, rèn luyện kiến thức của HS, được các cơ quan chức năng đồng ý cho phép sử dụng, trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc của HS và phụ huynh.
Hải Dương, địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, việc đóng cửa trường học là tất yếu. Hải Dương lưu ý khi tổ chức dạy học trực tuyến cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo đơn vị, các tổ chức đoàn thể, cán bộ tin học, GV chủ nhiệm... tham gia hỗ trợ, theo dõi giám sát, quản lý HS trong quá trình học tập trực tuyến (việc tổ chức dạy học trực tuyến phải được ghi đầy đủ vào sổ ghi đầu bài).
Nghiêm cấm dạy học trực tuyến có thu tiền
Tuy nhiên, một số địa phương chưa đặt việc dạy học trực tuyến như một yêu cầu bắt buộc.
Bắc Giang cho HS nghỉ đến hết ngày 28.2 nhưng lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết chưa tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp. Căn cứ tình hình và điều kiện thực tế, các đơn vị khuyến khích GV hướng dẫn HS tự học, ôn tập tại nhà thông qua các hình thức học tập trên internet và những hình thức học tập khác.
Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình cũng vừa có văn bản gửi các đơn vị, hướng dẫn học trực tuyến và các hình thức dạy học phù hợp khi HS tạm dừng đến trường. Theo đó, từ ngày 17.2, cán bộ, GV, nhân viên các cơ sở giáo dục trở lại trường để thực hiện công tác chuyên môn, tổ chức thực hiện dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học khác phù hợp với từng đối tượng HS, môn học và điều kiện của nhà trường. Đáng chú ý, văn bản của sở này nêu rõ: “Trong thời gian HS tạm dừng đến trường, nghiêm cấm việc dạy học trực tiếp, trực tuyến có thu tiền”.
Các tỉnh như Hà Nam, Bắc Ninh, Thanh Hóa... quyết định cho HS nghỉ học đến hết ngày 21.2. Các địa phương này yêu cầu thực hiện hiệu quả việc dạy học qua truyền hình, internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của đơn vị.
Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh cho biết sẽ khởi động lại việc dạy học trên truyền hình như đã tiến hành ở mùa dịch bệnh trong năm học trước và sẽ thông báo cho cha mẹ HS và HS biết lịch phát sóng dạy học trên các kênh truyền; có biện pháp phối hợp tổ chức quản lý việc học của HS.
Bình luận (0)