Đại sứ Israel ngợi ca 'nhà Einstein học' Nguyễn Xuân Xanh

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
05/01/2021 10:51 GMT+7

Trên trang Twitter cá nhân của mình, ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam và Lào, vừa có những lời ca ngợi tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh về những công trình nghiên cứu nhà khoa học Albert Einstein.

Mới đây, trên trang Twitter của mình, ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam và Lào, chia sẻ: "Tôi muốn vinh danh tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh về những cống hiến của ông trong việc giới thiệu Albert Einstein với công chúng...". 
Nhân sự việc này, chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh về hành trình nghiên cứu Einstein của ông.

Dòng tweet của Đại sứ Israel Nadav Eshcar giới thiệu về công việc của tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh

Ảnh chụp màn hình

 

Viết từ kỷ niệm 100 năm

Có lẽ ở Việt Nam trong thời gian vừa qua ông là người nghiên cứu về Einstein nhiều nhất. Vì sao 15 năm trước, ông quyết định chọn nghiên cứu về Einstein? 

TS Nguyễn Xuân XanhTôi chọn năm 2005 để nghiên cứu về Einstein là vì năm này, theo lời kêu gọi của UNESCO, thế giới kỷ niệm 100 năm thần kỳ của Einstein - lúc Einstein mới 26 tuổi, công bố 5 bài báo thay đổi bộ mặt vật lý thế giới, trong đó có Thuyết tương đối hẹp. Và cũng là dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của ông (1955-2005).  
Nói đến Einstein không những là những khám phá vĩ đại của ông về vũ trụ và lượng tử, mà ông còn là một con người đặc biệt, con đường mà ông đã đi, cách ông đã trưởng thành và tự lập, cách nhìn thế giới của ông... Tôi nhớ năm kỷ niệm đó có vô số sách, báo nghiên cứu mới về Einstein được xuất bản, như một cuộc Renaissance (tạm dịch: sự tái sinh, phục hưng - PV), tuy nhiên, Việt Nam đến thời điểm đó chưa có nhiều sách về Albert Einstein.
Đó là một trong những nguyên nhân thúc đẩy ông nghiên cứu về Einstein? 
Đầu tháng 8.2006, quyển sách EINSTEIN do tôi nghiên cứu ra đời để chia sẻ sự ngưỡng mộ dành cho ông. Cuối tháng 2, đầu tháng 3.2007, tức nửa năm sau, nhiều phương tiện truyền thông, nhà nghiên cứu có những khen ngợi dành cho tác phẩm này.  
Trong năm đầu tiên, quyển sách đã in được 5 lần. Năm 2008, sách nhận được Giải Vàng Sách hay 2008 cấp quốc gia. Sau đó, tôi tiếp tục dịch quyển sách Thuyết tương đối hẹp và rộng của Einstein viết cho đại chúng. Quyển này được công bố năm 1917 ở Đức, và được dịch ra nhiều thứ tiếng vào đầu những năm 1920, trong đó có cả tiếng Nhật, tiếng Hoa. Bản dịch tiếng Việt cuối cùng đã ra mắt độc giả năm 2014.

Một tấm hình quý về Einstein và chủ tịch Masasada Shiozawa ở ĐH Waseda (Tokyo, Nhật Bản) vào ngày 29.11.1922

TS Nguyễn Xuân Xanh tìm kiếm và chia sẻ

Sau đó là quyển Albert Einstein-Mặt Nhân Bản, được dịch từ quyển Albert Einstein-The Human Side của Helen Dukas và Banesh Hoffmann, chung với Đỗ Thị Thu Trà, với lời dẫn nhập Einstein - Sự nổi tiếng và nước Mỹ. Quyển sách này giúp người đọc hiểu thêm nhiều khía cạnh đời thường của ông, một số quan điểm triết học cũng như giáo dục.
Ngoài ba quyển sách trên tôi cũng viết thêm một số bài tiểu luận về một số đề tài có tính thời sự, như Thuyết hạnh phúc của Einstein, Những ngộ nhận về Einstein...

Einstein là nguồn cảm hứng vô tận

Trong quá trình nghiên cứu về Einstein, ông gặp khó khăn gì? 
Tôi xin chia sẻ thêm về việc nghiên cứu Einstein. Việc này quả thật không dễ dàng ở Việt Nam. Lý do chính nằm ở chỗ nguồn tư liệu. Cơ sở hạ tầng tri thức của Việt Nam, nhất là các thư viện, còn rất nhiều thiếu thốn. Tư liệu về Einstein của thế giới đã tích lũy từ cả trăm năm qua, nhất là từ lúc Einstein nổi tiếng năm 1919. Tôi đã có một tủ sách nhỏ về Einstein mang về từ Đức, nhưng để viết được chân dung Einstein, tôi phải mua thêm hàng chục quyển khác, từ Đức và từ Mỹ, hai nguồn chính yếu, tổng cộng lại có cả trăm quyển. Việc này cũng không dễ lúc bấy giờ. Ngoài ra, tôi cũng có thêm nguồn thông tin quan trọng từ Viện Max Planck Berlin nghiên cứu lịch sử khoa học. Viện này là nơi tổ chức những lễ kỷ niệm Einstein, và có những bộ sách nghiên cứu về ông mới nhất. Tôi may mắn được họ hỗ trợ.
Hiện việc nghiên cứu Einstein tại Việt Nam vẫn còn rất mỏng. Một số sách dịch thì có, như quyển Einstein của Walter Isaacson, hay trước đó quyển Thế giới như tôi nhìn của Einstein, nhưng nghiên cứu có tính học thuật cao thì hầu như chưa đáng kể.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh

Đăng Nguyên

Dự định tương lai của ông trong việc nghiên cứu Einstein như thế nào, thưa ông? 
Tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu Einstein. Thế giới cũng không ngừng nghiên cứu để cho ra tác phẩm mới giúp hiểu thêm con người và lý thuyết khoa học của ông. Einstein là nguồn cảm hứng vô tận và sẽ không bao giờ dứt. Ông đã lớn lên và trưởng thành ngoài bộ máy hàn lâm. Ông phải đi làm trong Sở Sáng chế Thụy Sĩ để kiếm sống, nuôi gia đình và tự nghiên cứu, cho đến khi tài năng ông bùng nổ vào năm 1905. Lúc đó thế giới mới ngoảnh mặt lại.
Ông là “người hiền”, sống một cuộc đời giản dị, chủ trương giáo dục nhân bản, vì sự phát triển hài hòa của con người hơn là vì khối lượng kiến thức nhà trường muốn “nhồi nhét”. Thi cử đối với ông là những “cơn ác mộng”. Ông chỉ có được những ý tưởng độc đáo về khoa học khi có đủ tự do, không chịu áp lực quá lớn của nhà trường. Ông luôn luôn đặt câu hỏi, có tư duy “sát hạch” mà chúng ta hay gọi là “tư duy phản biện”, tức luôn luôn kiểm tra lại những vấn đề từ quan điểm triết học mà các nhà khoa học khác từng cho là “đương nhiên”, nhất là trong thời điểm nền tảng vật lý đang có vấn đề. Chính vì thế mà ông đã nhìn thấy những cái hết sức mới mẻ, có tính cách mạng mà những bộ óc vĩ đại đương thời khác không nhận ra. Có thể nói, ông là biểu tượng cho “tư duy đổi mới sáng tạo”, “nghĩ khác” (think different của Steve Jobs) và không những thế, ông cũng sống khác.
Tôi xin mượn lời của nhà vật lý-bác học Đức Hermann von Helmholtz cuối thế kỷ 19 khi ông nói: "Ai một lần được tiếp xúc với những tài năng vĩ đại sẽ thay đổi thước đo tinh thần cho cuộc đời, và cuộc tiếp xúc như thế là điều thú vị nhất cuộc đời có thể mang lại được".

Một bức ảnh nổi tiếng về nhà khoa học Albert Einstein.

Ảnh tư liệu

Chính xác như thế. Tôi hy vọng rằng những nghiên cứu, biên soạn kiên trì 15 năm qua về nhà bác học vĩ đại Albert Einstein sẽ góp phần làm một cuộc tiếp xúc như thế giữa Einstein và người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ...
Nhà khoa học nổi tiếng thế giới Albert Einstein sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái tại thành phố Ulm, bên dòng sông Danube, tiểu bang Baden-Wurttemberg (Đức) ngày 14.3.1879. Có lẽ nguồn gốc của Albert Einstein là nguyên nhân dẫn đến sự quan tâm đặc biệt của Đại sứ Nadav Eshcar. Trong khi đó, việc Albert Einstein là người sinh ra ở Đức lại thành mối quan tâm đặc biệt của tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, người có nhiều năm học tập và giảng dạy tại đất nước này.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh cho biết ông vừa thiết kế trang mới về Albert Einstein gồm những quyển sách viết, dịch và các bài viết liên quan đến nhà khoa học này của ông trong vòng 15 năm qua để bạn đọc quan tâm dễ tìm hơn. Tất cả những bài viết được tập hợp tại địa chỉ: https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/albert-einstein/
Suốt những năm qua, tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh là người nghiên cứu về Einstein nhiều nhất tại Việt Nam. Công việc nghiên cứu Einstein đầu tiên của tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh bắt đầu bằng quyển sách EINSTEIN vào Năm vật lý thế giới 2005 được UNESCO tuyên bố, hoàn tất cuối năm 2006, và được xuất bản tại NXB Tổng hợp năm 2007 (cuốn sách sau đó được Giải Vàng Sách hay năm 2008).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.