Đánh giá học sinh quan trọng nhất vẫn là người thầy

05/11/2019 18:39 GMT+7

Dù học sinh được đánh giá ở hình thức nào, truyền thống (thông qua các bài kiểm tra trên lớp) hay đổi mới (quá trình làm việc nhóm, dự án, thuyết trình…) thì vai trò người thầy vẫn là quan trọng nhất!

Đánh giá, xếp loại kết quả học tập của học sinh trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi. Không chỉ thông qua các bài kiểm tra hệ số 1 hay hệ số 2 trên lớp, sự đánh giá kết quả học tập của học sinh còn dựa vào các bài thuyết trình, hoạt động nhóm, sản phẩm trong quá trình làm dự án… Và dù được đánh giá ở hình thức nào, truyền thống (thông qua các bài kiểm tra trên lớp) hay đổi mới (quá trình làm việc nhóm, dự án, thuyết trình…) thì theo tôi, vai trò người thầy vẫn là quan trọng nhất!
Cách đây không lâu, tôi thấy đồng nghiệp vui mừng khi Sở GD-ĐT TP.HCM có hướng dẫn về việc đổi mới dạy và học, kiểm tra, đánh gia đối với học sinh trong năm học 2019-2020. Vui vì với hướng dẫn này của Sở, thầy và trò có thể mạnh dạn sáng tạo, mở ra nhiều hướng tiếp cận kiến thức, vận dụng những cách đánh giá cởi mở, linh động nhất cho người học. Tuy nhiên, ở góc độ người dạy, tôi nhận thấy việc vận dụng hướng dẫn này có đạt được hiệu quả hay không còn tùy thuộc rất nhiều ở người trực tiếp giảng dạy. Thực tế, trong thời gian qua, khi chưa có hướng dẫn, rất nhiều thầy cô đã vận dụng cách đánh giá này. Có những thầy cô thực hiện thành công, tuy nhiên, phần nhiều là còn lúng túng, hiểu vấn đề cứng nhắc nên đã dẫn tới nhiều bất cập.

Cần sự nghiêm túc, khoa học của người thầy

Cụ thể, khi thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá thông qua bài thuyết trình, sản phẩm học tập, tiết học trải nghiệm… điều quan trọng là tiêu chí đánh giá phải được thông tin đến học sinh ngay từ khi triển khai. Tiêu chí đánh giá đó phải được xây dựng thật cụ thể dựa trên kế hoạch dạy học mà giáo viên tổ chức cho học sinh. Khi có tiêu chí, học sinh sẽ định hướng được hoạt động của mình để xây dựng bài thuyết trình, làm sản phẩm.
Thế nhưng, hiện nay khi tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động này rất nhiều giáo viên không cung cấp cho học sinh tiêu chí đánh giá; hoặc có cung cấp thì rất mơ hồ, chung chung, kiểu như có thể gắn tiêu chí đó vào bất kỳ sản phẩm nào cũng được. Từ đó dẫn đến, sau khi học sinh thực hiện xong một dự án, bài thuyết trình… thì phần đánh giá rất sơ sài, thiếu thuyết phục về điểm số. Vậy, liệu có khách quan và công bằng cho học sinh? Chưa kể, quá trình làm việc nhóm hiện nay chưa đồng bộ giữa học sinh, em làm nhiều, em làm ít, em chạy bở hơi tai không hết việc, em dung dăng dung dẻ “phó mặc sự đời”… trong khi kết quả cuối cùng như nhau, liệu các em có tâm phục?
Kỹ năng làm việc nhóm, phân chia công việc trong nhóm, liệu đã được dạy bài bản cho học sinh, và được học sinh lĩnh hội sâu sắc? Thậm chí, có lúc, các em thực hiện bài thuyết trình rất sơ sài, kiểu “làm cho có”, cứ trình chiếu chữ lên và đọc lại nguyên si; giáo viên đánh giá chung chung, “vui cả làng”, kết quả cao ngất ngưỡng được đưa ra, hệ lụy là học sinh sẽ thấy việc đạt được con điểm đó quá dễ dàng, dẫn đến chủ quan, thiếu đầu tư cho các bài học sau. Vì lẽ đó, với hình thức đánh giá này, hơn bao giờ hết, rất cần sự nghiêm túc, khoa học của người thầy, không “đánh trống bỏ dùi”.

Tạo “độ chênh” trong khung đánh giá?

Thực tiễn, một số trường đã có nhiều hình thức đánh giá khác với truyền thống. Ví dụ, cháu tôi đang theo học tại một trường trong quận 1, đợt vừa rồi, toàn bộ học sinh khối của cháu được tổ chức tham gia chuyến đi ngoại khóa tại một địa điểm ngoài thành phố. Nếu tham gia chuyến đi và thực hiện nghiêm túc thì cháu sẽ đạt được 5/10 điểm (điểm này do giáo viên chủ nhiệm đánh giá!); sau khi tham quan về, cháu và các bạn sẽ cùng làm tập san, thuyết trình, và điểm cho phần này sẽ cộng với phần trên ra cột điểm cuối cùng cho một số bộ môn.
Không bàn chuyện hay dở của kế hoạch, quan sát hoạt động của cháu, tôi thấy có nhiều băn khoăn. Cháu không vui khi kể lại suốt chuyến đi, vào các điểm tham quan, cháu không được nghe và biết về các nơi đó như mong muốn, tất cả đều qua loa do số lượng học sinh đông và chỉ có một người thuyết minh, một số điểm tham quan chưa phù hợp “Con không biết đưa vào tham quan nơi đó làm gì nữa, bởi tìm trên mạng đọc con đã biết nơi đó là như vậy, đến nơi cũng không được nghe khác hơn, nắng nóng, chỉ xếp đội hình cho trường quay flycam…”. Tất nhiên, đó là góc độ một chiều của một học sinh, tuy nhiên, khi đã có tâm tư như thế thì việc đón nhận những đánh giá bằng điểm số từ chuyến đi, cháu có thật sự vui? Chưa kể, với kinh phí tham gia là khoảng 1 triệu đồng cho hai ngày, tôi cho là vừa phải, tuy nhiên với các gia đình khó khăn thì đó sẽ là vấn đề? Các em có hoàn cảnh khó khăn không tham gia, có thể được kiểm tra lại bằng cách truyền thống (trên giấy), khi ấy, vô tình đã tạo ra “độ chênh” trong khung đánh giá?

Dung hòa giữa cách đánh giá truyền thống và đổi mới

Vì vậy, theo tôi việc đổi mới hình thức đánh gia cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa…  là hướng tích cực, đổi mới, tuy nhiên để thực hiện cũng cần sự dung hòa, cân nhắc, phối hợp với nhiều bộ phận. Để đảm bảo việc đánh giá đúng thực chất, tạo sự động viên, khuyến khích nơi người học, người thầy - với vai trò truyền cảm hứng, dẫn dắt - chắc chắn sẽ lắm “trần ai”, nhất là khi sĩ số lớp, khối lượng công việc luôn là bài toán khó.
Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh bằng nhiều hình thức khác với ngồi làm các bài viết 15 phút, 45 phút là cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện đảm bảo được hiệu quả, thiết nghĩ, giáo viên cần được trang bị kỹ và sâu các phương pháp, kỹ năng về kiểm tra đánh giá học sinh theo xu hướng tích cực; dung hòa giữa cách đánh giá truyền thống và đổi mới; chuẩn bị tinh thần đón nhận, xử lý những tình huống ngoài kế hoạch; hướng dẫn học sinh những kỹ năng mềm hỗ trợ cho quá trình tiếp cận bài học… Có như thế, việc thay đổi này mới thật sự theo đúng tinh thần “đổi mới”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.