Mới đây, nghiên cứu khoa học mang tên “Thiết kế nội dung và biện pháp giáo dục kỹ năng quản lý tài chính cho học sinh lớp 3” và một trong những sản phẩm nghiên cứu là cuốn sách Tỉ phú năm lên 8 đã được nghiệm thu tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Dạy học trò tiểu học quản lý tiền bạc
Trần Lê Như Quỳnh, thành viên của nhóm, cho biết trước đây sách giáo khoa từng có bài giới thiệu hình ảnh tiền VN, nhưng là hình ảnh thời tiền giấy, chưa đổi sang polymer, hiện tại bài này cũng bị giảm tải. “Không chỉ đơn thuần muốn học sinh (HS) biết cộng trừ nhân chia với tiền, chúng tôi muốn dạy học trò tiểu học quản lý tiền bạc, 8 tuổi cũng có thể là “tỉ phú”, không phải là sở hữu hàng tỉ đồng, nhưng hiểu rằng làm được đồng tiền rất cực khổ, phải trân quý, tiết kiệm tiền, biết chia sẻ, sử dụng tiền hợp lý”, Quỳnh nói về lý do cả nhóm bắt tay vào thực hiện đề tài này.
Theo Đoàn Thị Yến Nhi, thành viên nhóm, đề tài tập trung vào nhóm đối tượng là HS lớp 3 (8 tuổi) bởi đây là độ tuổi mà nhận thức đã phù hợp. Nhóm đã thực hiện khảo sát 173 HS lớp 3 tại 2 trường tiểu học Chương Dương và Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5), thu được nhiều kết quả như: 99% số trẻ được cha mẹ cho tiền; các em sử dụng tiền nhiều nhất vào các việc mua sách, sau đó tới mua đồ chơi, làm từ thiện và một số việc làm khác. Trả lời câu hỏi nếu có nhiều tiền em sẽ làm gì, có 21% HS cho biết sẽ kinh doanh.
Từ thực tế khảo sát, nhóm đã thiết kế nội dung, biện pháp giáo dục kỹ năng quản lý tài chính cho học sinh dựa trên 9 chủ đề như: tìm hiểu chung về tiền, nguồn gốc của tiền, những cá tính của em về tiền, tiền của em từ đâu tới, những cách tiết kiệm tiền, hướng dẫn HS cách thực hành tiết kiệm tiền…
Những bài học về tiền gần gũi với trẻ em
Cuốn sách Tỉ phú năm lên 8 của nhóm sinh viên hiện được lưu hành nội bộ tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ngoài các bài học cụ thể, sách cũng giới thiệu những gương mặt tỉ phú quen thuộc tại VN và trên thế giới như ông Phạm Nhật Vượng, Bill Gates, Mark Zuckerberg… và cách họ trở thành tỉ phú để giúp HS dễ hình dung, đồng thời được truyền cảm hứng từ những người nổi tiếng.
Luân Ngọc Vy, thành viên của nhóm, chia sẻ dạy trẻ quản lý tài chính có thể lồng ghép vào nhiều môn học, cụ thể như toán, tự nhiên xã hội, đạo đức. Theo chương trình mới 2018, HS sẽ có những hoạt động trải nghiệm thực tế, những bài học về tiền cũng sẽ được lồng ghép trong các hoạt động sáng tạo, trải nghiệm của HS. Ví dụ như trước Tết Nguyên đán có thể dạy trẻ cách tiết kiệm tiền lì xì, nên sử dụng tiền lì xì vào việc gì; hoặc có những buổi cô trò cùng phân tích ý nghĩa những hình ảnh lao động sản xuất, danh lam thắng cảnh, quê hương, dân tộc trên các tờ tiền 10.000, 20.000 hay 100.000, 200.000, 500.000 đồng của VN…
Dạy trẻ quản lý tài chính là một điều nên làm
Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Giang, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, người hướng dẫn nhóm sinh viên, chúng ta không thể cấm đoán phụ huynh không cho trẻ tiêu tiền. Dạy trẻ quản lý tài chính là một điều nên làm, đặc biệt khi chúng ta đều hướng tới giáo dục mỗi đứa trẻ thành công dân toàn cầu. Trẻ em ở nhiều nước đã được tiếp cận với giáo dục về quản lý tài chính từ rất sớm, trẻ em VN cũng cần phải được thụ hưởng chương trình giáo dục như vậy.
|
Bình luận (0)