Dạy trực tuyến là lúc nhà giáo cần thể hiện cao nhất trách nhiệm với học sinh

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
23/09/2021 15:28 GMT+7

Phát biểu khi tập huấn cho giáo viên về dạy trực tuyến , lãnh đạo Bộ GD-ĐT lưu ý thời điểm khó khăn này là lúc mỗi nhà giáo cần thể hiện cao nhất tinh thần, trách nhiệm với ngành giáo dục , với học sinh.

Ngày 23.9, Bộ GD-ĐT tổ chức khoá tập huấn nâng cao năng lực dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cấp tiểu học, bắt đầu với 22 sở GD-ĐT các tỉnh phía Bắc.
Từ nay đến trước 2.10, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tổ chức 2 khoá tập huấn về dạy học trực tuyến/qua truyền hình cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cấp tiểu học của các tỉnh còn lại; đan xen với đó là các khoá tập huấn cho đội ngũ nhà giáo cấp THCS, THPT của 63 tỉnh thành phố.
Mỗi khoá tập huấn kéo dài 2 ngày, là một giải pháp để phát triển năng lực dạy học trực tuyến cho giáo viên, từ đó nâng cao được chất lượng dạy học theo hình thức này.
Khóa tập huấn sẽ cung cấp tổng quan kiến thức về dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình, giúp giáo viên nắm được điểm giống và khác, ưu điểm và hạn chế giữa dạy học trực tuyến/qua truyền hình với dạy học trực tiếp, từ đó có các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.
Giáo viên cũng được hướng dẫn các phương pháp, kỹ thuật để tổ chức dạy học trực tuyến/qua truyền hình đối với từng môn học hoặc hoạt động giáo dục; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hình thức này và tư vấn “gỡ khó” cách xử lý tình huống phát sinh khi dạy học trực tuyến/qua truyền hình.
Báo cáo viên của các khoá học là chuyên gia am hiểu và có kinh nghiệm về dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình, đến từ vụ Giáo dục tiểu học và các trường ĐH sư phạm.
Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh dạy học trực tuyến và qua truyền hình là hình thức bất khả kháng trong điều kiện dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, khó lường hiện nay. Mặc dù phần lớn trong số 22 tỉnh phía Bắc có đại diện tham gia khóa tập huấn đầu tiên đã có thể cho học sinh đến trường học trực tiếp, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Độ, quá trình dạy học trực tiếp, một số tỉnh phát sinh ca nhiễm mới nên lại chuyển từ “vùng xanh” thành “vùng đỏ”. Tình trạng này có thể còn xuất hiện trong thời gian tới, nên luôn phải trong tâm thế sẵn sàng chuyển trạng thái.
“Thời điểm khó khăn này là lúc mỗi nhà giáo cần thể hiện cao nhất tinh thần, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục, với học sinh. Nếu lực lượng y tế đang “căng mình” ở tuyến đầu chống dịch, thì ngành giáo dục cũng nỗ lực hết sức để tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp học trò thực hiện các biện pháp an toàn về dịch, dù không thể đến trường vẫn không ngừng việc học và được học một cách tử tế, chất lượng”, ông Độ nhấn mạnh.
Hàng chục nghìn trường học dạy trực tuyến hoặc qua truyền hình
Thống kê của Bộ GD-ĐT tính đến ngày 20.9, cấp tiểu học có 25 tỉnh, thành phố chưa tổ chức dạy học trực tiếp. Cả nước có 7.478 cơ sở giáo dục cấp tiểu học đã tổ chức dạy trực tiếp; 5.047 trường dạy trực tuyến; 8.967 trường tổ chức cho học sinh học qua truyền hình;
Cấp trung học có 23 tỉnh, thành phố chưa tổ chức dạy học trực tiếp; 40 tỉnh đã dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến; một số địa phương kết hợp cả 2 hình thức này. Trong đó, cấp THCS có 5.873 trong tổng số 9.763 trường (bao gồm trường có nhiều cấp học và cấp học cao nhất là THCS) đã tổ chức dạy học trực tiếp (chiếm 60,16%); 4.509 trường dạy học trực tuyến (chiếm 46,18%); 571 trường dạy học qua truyền hình (chiếm 10,37%); 466 trường chưa tổ chức triển khai dạy học.
Cấp THPT có 1.207 trên tổng số 2.876 trường tổ chức dạy học trực tiếp (chiếm 41,97%); 1.639 trường dạy học trực tuyến (chiếm 56,99%); 102 trường dạy học qua truyền hình (9,27%); 48 trường chưa triển khai tổ chức dạy học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.