Đề văn trường chuyên gây tranh cãi, khuyến khích 'bản lĩnh phản biện'?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
14/07/2020 19:29 GMT+7

Mới đây, đề văn thi vào lớp 10 chuyên văn của Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn đã gây nhiều tranh cãi khi chia làm 2 luồng ý kiến khác nhau: một chê và một khen.

Ngày 13.7 vừa qua, đề văn thi vào lớp 10 chuyên văn Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn (trực thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) thu hút sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh, các cựu học sinh chuyên văn, giáo viên dạy văn.

Trích dẫn câu nói tối nghĩa, không phù hợp?

Trong đó, câu nghị luận văn học là câu gây nhiều ý kiến trái chiều, có nội dung: “Nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết: Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài lại là đức hạnh” (Theo Ý thức và thời gian, Tạp chí Văn nghệ quân đội, tháng 9 năm 1973). Từ trải nghiệm văn học của bản thân, em hãy bàn luận về ý kiến trên”.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, câu nghị luận văn học đã trích dẫn một câu nói có cách so sánh “ngớ ngẩn, tối nghĩa”. Phụ huynh N.HM, một cựu học sinh chuyên văn ở Bình Định, nhìn nhận: “Một câu nói của thi sĩ Xuân Quỳnh từ năm 1973 để nói về thi ca, đến nay sẽ không còn phù hợp nữa vì có viết bao trào lưu văn học và trường phái lý thuyết đã ra đời. Chưa kể câu so sánh khá tối nghĩa. Nếu gặp em thí sinh nào có bản lĩnh, em ấy sẽ phản bác đề và đưa ra một nhận định khác về thơ có giá trị hơn”.
Các phụ huynh thì tranh luận rằng “Một học sinh lớp 9 còn chưa hiểu thế nào là nhan sắc, là đức hạnh, thì lấy đâu ra trải nghiệm để bàn luận về cách so sánh trên”, “ngày nay sống với nhau lâu dài cần nhiều yếu tố lắm, vì vậy để một bài thơ sống mãi với thời gian thì cũng không còn như thời của Xuân Quỳnh nữa, nếu các cháu viết như vậy thì có được tính điểm không”…
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Câu nghị luận văn học thì có thể nói là rất hay. Câu này bàn về mối quan hệ giữa hình thức và nội dung trong một tác phẩm thơ. Ý kiến được đem ra bàn luận rất thú vị. Cách nói sâu sắc, tượng trưng của nữ sĩ Xuân Quỳnh thật ra cũng đi vào quỹ đạo nhấn mạnh đến giá trị về mặt nội dung của thơ, bên cạnh hình thức hấp dẫn như một ấn tượng đầu tiên khi đến với thơ”.
Theo thạc sĩ Bảo Khôi, học sinh thi vào lớp 10 chuyên văn đã quá quen với vấn đề mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong tác phẩm nghệ thuật nên không quá bất ngờ.
“Chắc hẳn sẽ có những ý kiến cho rằng cách nói này hơi xa lại với trải nghiệm đời sống của học sinh lớp 9. Nhưng với tôi, kiến thức nền về các nhân vật văn học quen thuộc như Vũ Nương, Thúy Kiều, Phương Định, nhất là Vũ Nương, đủ giúp các em vượt qua chút khó khăn không đáng kể này. Hơn thế, cách so sánh này có phù hợp không, vấn đề này có thể mở rộng ra cho những thể loại văn học khác không, để sáng tác/tiếp nhận được những bài thơ như thế thì phải đặt ra yêu cầu gì đối với tác giả/độc giả..., theo tôi, như vậy là đề đã khơi gợi được bao nhiêu nội dung cần bàn thêm, nghĩ tiếp, nói sâu. Do vậy, đề thi hay, mức phân hóa tốt, phù hợp để tuyển học sinh giỏi vào lớp 10 chuyên văn”, thạc sĩ Khôi chia sẻ thêm.
Thầy Dương Minh Đức, giáo viên môn văn Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), cũng cho rằng đề thi hay nhưng quá sức với học sinh lớp 9. “Tôi cũng hay đi chấm học sinh giỏi khối 9 hằng năm, nên tôi biết sức của học sinh sẽ khó đạt yêu cầu với câu thứ 2 của đề này. Ngay cả đội tuyển học sinh giỏi cũng đã là khó. Các em sẽ phải giải thích câu nói để nhằm nêu lên hình thức, nội dung trong thơ cũng như mối quan hệ giữa chúng. Sau đó, phân tích hai luận điểm: làm rõ hình ảnh so sánh trong vế 1: thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình, bàn luận về các ý “cái để cho người ta làm quen là nhan sắc”, “cái để sống với nhau lâu dài lại là đức hạnh”… Tổng hợp đánh giá vai trò của hai thành tố hình thức và nội dung, đề cao giá trị cốt lõi trong thơ là nội dung”. Thầy Đức lưu ý thêm học sinh phải có dẫn chứng và phân tích cụ thể.
“Với suy nghĩ của tôi thì các em lớp 9 chưa đủ sự trải nghiệm để hiểu được giá trị của một bài thơ hay và tất nhiên phần lý luận văn học không phải là dễ làm. Thế nên các em có thể làm tốt câu 1, riêng câu 2 chỉ là điểm cộng thêm cho toàn bài thi. Theo tôi học sinh giỏi văn có thể đạt điểm 7”, thấy Đức nhìn nhận.

Được tính điểm nếu phản biện thuyết phục

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn, cho biết: “Đây là năm tuyển sinh đầu tiên của trường, với chỉ tiêu 100 em cho 3 lớp chuyên gồm văn, sử, địa và 1 lớp chất lượng cao. Riêng lớp chuyên văn có gần 600 em đăng ký dự thi, trường chọn lấy 30 em”.
Về đề thi văn, một thành viên trong ban ra đề chia sẻ: “Chúng tôi ra 2 đề văn khác nhau, một đề có mục đích kiểm tra kiến thức ngữ văn phổ thông cơ sở, tức dạng đề điều kiện, ghi rõ đề thi môn ngữ văn (không chuyên). Đối với thí sinh vào lớp chuyên văn, đề thi phải có tính phân loại cao hơn, trong đó câu nghị luận văn học là một câu dạng tương đối mở. Để phân loại thí sinh, phải thử thách vốn liếng văn chương cũng như tư duy phân tích, lý luận của thí sinh. Các em có thể sử dụng kiến thức của chương trình lớp 9 lẫn ngoài lớp 9.
Có nhiều người đọc đề cho rằng tại sao lại lấy một câu nói cũ kỹ từ năm 1973 để yêu cầu học sinh bàn luận, tại sao lại đưa nhan sắc và đức hạnh để so sánh với thơ… Đó là quan điểm cá nhân của mỗi người. Nhà thơ Xuân Quỳnh nói câu này có cái lý của bà khi nói về giá trị của một tác phẩm thi ca. Nhưng đề văn này không hề áp đặt. Nếu áp đặt theo kiểu buộc học sinh phải chứng minh đây là một chân lý thì phải có lệnh “em hãy chứng minh…, còn đây chỉ yêu cầu “bàn luận về ý kiến trên”, nghĩa là học sinh có thể phản biện lại ý kiến đó, không coi ý kiến đó là chân lý".
Theo thành viên này, trong nội dung hướng dẫn chấm đề văn có phần hướng dẫn giáo viên khi chấm có thể chấp nhận cách lập luận khác chứ không bắt buộc học sinh làm bài phải đồng ý một chiều với câu nói của nhà thơ Xuân Quỳnh. “Nếu có thí sinh cho rằng quan điểm đó không còn phù hợp với thời nay, đã cũ kỹ và lạc hậu thì có thể phản biện nhưng phải có lý lẽ và lý lẽ phải thuyết phục. Đó cũng là bản lĩnh của một học sinh trường chuyên“.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.