Điểm chuẩn đại học tăng mạnh

05/10/2020 08:45 GMT+7

Chiều tối qua, sau khi lọc ảo lần cuối, nhiều trường ĐH đã công bố điểm chuẩn. Theo đại diện các trường, điểm chuẩn nhiều ngành năm nay cao chưa từng có.

Nhóm ngành công nghệ thông tin: cao không tưởng

Trong số các trường tốp trên đã công bố điểm chuẩn, kỷ lục điểm chuẩn cao thuộc về ngành khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, với mức 29,04 điểm (tính theo thang điểm 30, với thí sinh KV3 và không có điểm ưu tiên). Nhiều thí sinh (TS) phải đạt ít nhất 2 điểm 10 mới đỗ nguyện vọng 1. Trong số 112 mã ngành tuyển sinh của trường này, rất nhiều ngành có điểm chuẩn mức 27 - 28 trở lên, trong đó có một số ngành trên 28 điểm, gồm: kỹ thuật máy tính 28,65 (điểm chuẩn theo phương thức kết hợp với bài kiểm tra tư duy: 25,63); khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo chương trình tiên tiến 28,65 (25,28); công nghệ thông tin Global ICT 28,38 (25,14); tự động hóa 28,16 (24,41).
Tình trạng tương tự ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Hầu hết các ngành điểm chuẩn tăng từ 2 - 3 điểm, trong đó ngành khoa học máy tính có điểm chuẩn cao nhất là 28 điểm. Một số ngành khác điểm chuẩn cũng từ 27 trở lên như: kỹ thuật ô tô, kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật máy tính… Mức điểm chuẩn chênh lệch ngành cao nhất và thấp nhất của trường này lên tới 7,5.

Khối kinh tế: Mặt bằng điểm chuẩn cao

Trường có mặt bằng điểm chuẩn cao nhất là Trường ĐH Ngoại thương. Trường xác định điểm chuẩn theo nhóm ngành (căn cứ vào tổ hợp A00 là tổ hợp gốc, các tổ hợp còn lại giảm khoảng 0,5 điểm), trong đó nhóm ngành điểm chuẩn cao nhất là kinh tế - quản trị đào tạo (ở cơ sở 2) là 28,15 điểm; nhóm ngành kinh tế, kinh tế quốc tế đào tạo ở Hà Nội là 28 điểm (nhưng điểm chuẩn ngành kinh tế quốc tế dự kiến sẽ là 28,6). Điểm chuẩn nhóm ngành thấp nhất (theo tổ hợp A00) là 27 điểm (nhóm ngành luật).
Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, nhận định: “Đã xét tuyển căn cứ vào điểm thi thì sau khi xác định được ngưỡng điểm chuẩn, rủi ro rơi vào TS nào thì TS ấy phải chịu dù nhà trường vẫn biết năng lực giữa TS 28 điểm/3 môn không có gì khác biệt so với những TS 27 - 27,5 điểm. Bối cảnh kỳ thi năm nay có tính đặc thù, vì thế mới có điểm thi cao như thế. Chúng tôi tin rằng sang năm sẽ không còn tình trạng điểm chuẩn quá cao như năm nay”.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng có mức điểm chuẩn cao, ngành thấp nhất 24,5 (kinh tế học tài chính), ngành cao nhất 28 điểm (logistics và quản lý chuỗi cung ứng). Phần lớn các ngành của trường lấy ở mức 26 - 27 điểm.

Bối cảnh kỳ thi năm nay có tính đặc thù,vì thế mới có điểm thi cao như thế. Chúng tôi tin rằng sang năm sẽ không còn tình trạng điểm chuẩn quá cao như năm nay”

Vũ Thị Hiền (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương)

Mặt bằng điểm chuẩn của Trường ĐH Thương mại thấp hơn một chút, các ngành cao nhất là logistics và quản lý chuỗi cung ứng (26,5 điểm), kinh doanh quốc tế, kinh tế quốc tế (cả 2 ngành này đều 26,3 điểm), quản trị thương mại điện tử (26,25 điểm); 2 ngành thấp nhất là tài chính ngân hàng (24 điểm) và quản trị kinh doanh tiếng Pháp thương mại 24,05 điểm.

Khối ngành sức khỏe điểm chuẩn tăng đều các ngành

Điểm chuẩn các trường đào tạo khối ngành sức khỏe cũng tăng mạnh và khá đều giữa các ngành.
PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết điểm chuẩn các ngành của trường năm nay tăng khá mạnh, không chỉ các ngành đào tạo bác sĩ mà cả ở nhóm ngành cử nhân y tế. Trong đó, dẫn đầu là răng - hàm - mặt với 27,55 điểm (TS có hộ khẩu các địa phương khác) và 26,5 (TS có hộ khẩu TP.HCM). Kế đến là ngành y khoa với 27,5 điểm (địa phương khác) và 26,35 (TP.HCM). Dược học xếp thứ 3 với 26,6 điểm (địa phương khác) và 26,05 (TP.HCM). Ngành thấp nhất tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là y tế công cộng: 19 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2019. Các ngành cử nhân khác điểm cũng khá cao như kỹ thuật xét nghiệm y học trên 25 điểm, kỹ thuật hình ảnh y học gần 25 điểm, điều dưỡng trên 23 điểm…
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Phó trưởng khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết điểm chuẩn các ngành năm nay tăng từ 2 - 3 điểm so với năm ngoái. Theo đó, ngành y khoa chất lượng cao 27,05; răng - hàm - mặt chất lượng cao 26,7 và dược học chất lượng cao 26 điểm.
Trường ĐH Y Hà Nội cũng đã công bố điểm chuẩn, theo đó ngành có mức điểm chuẩn cao nhất là y khoa (đào tạo tại Hà Nội) 28,9. Như vậy, điểm chuẩn ngành y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội, tuy được lãnh đạo nhận định là “cao chưa từng có”, nhưng vẫn không còn giữ vị trí đầu bảng về điểm chuẩn như mọi năm (so sánh này không tính các trường công an, quân đội).
Tuy nhiên, trường vẫn có nhiều ngành mức điểm chuẩn không cao so với mặt bằng điểm chuẩn năm nay, chỉ khoảng từ 22,4 - 24 điểm, chẳng hạn 2 ngành điều dưỡng và y tế công cộng chỉ 22,4.
GS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cũng cho biết đề thi năm nay quá dễ nên mức độ phân hóa không cao, dẫn đến việc điểm chuẩn những ngành “hot” quá cao, trong khi những TS trúng tuyển chưa chắc đã là những em giỏi nhất.

Phân hóa mạnh giữa các ngành

Ngoài xu hướng tăng lên thì điểm chuẩn vào ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp năm nay có điểm đáng chú ý là phân hóa mạnh giữa các ngành trong cùng một trường. Trong đó, những ngành “nóng” nhiều TS quan tâm điểm chuẩn nhiều ngành 9 điểm/môn, bên cạnh những ngành chỉ 5 - 6 điểm/môn.
Tiến sĩ Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, thông tin điểm chuẩn trúng tuyển các ngành của trường năm nay đều tăng. Tuy nhiên, có sự phân hóa mạnh giữa các ngành, như ngành thấp nhất 18 điểm trong khi ngành cao nhất tới 27.
Tương tự, thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho hay tất cả các ngành của trường điểm chuẩn đều tăng so với năm ngoái. Trong đó ngành tăng ít nhất 1 điểm và nhiều nhất 4 điểm. Nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin dẫn đầu với 27,2 điểm và ngành có điểm chuẩn thấp nhất 17 điểm.
Điểm chuẩn thấp nhất năm nay vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là 19. Một số ngành điểm chuẩn trên mức 26 như: sư phạm tiếng Anh 26,5; sư phạm toán học 26,25…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.