Điều ước cuối hành trình của ông bố ở trường Nam Trung Yên

21/02/2017 15:55 GMT+7

Ngày bà hiệu trưởng gian dối nhận quyết định kỷ luật cách chức, ông bố có con bị gãy xương đùi lại bần thần ao ước, giá như không có quyết định ấy, chỉ cần chân con nguyên vẹn như lúc mới chào đời.

Anh Trần Chí Dũng, ông bố dũng cảm, luôn điềm tĩnh nhưng rất kiên quyết trong hành trình đi tìm sự thật gây ra tai nạn gãy xương đùi cho con, cuối cùng đã có thể nghỉ ngơi sau bao tháng ngày chạy ngược xuôi vừa lo chạy chữa cho con, vừa đi tìm sự thật để chữa lành phần nào nỗi đau về tinh thần.
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Dũng nói: "Gia đình chúng tôi hài lòng về cách xử lý của lãnh đạo thành phố, triệt để, dứt điểm. Điều đó, mang lại niềm tin cho gia đình và các em học sinh. Chúng tôi không lạm bàn về việc nặng hay nhẹ của quyết định đó. Gia đình hoàn toàn tôn trọng cách xử lý công việc của các cơ quan chức năng. Quan điểm của gia đình, lỗi tới đâu, xử lý tới đó và không can thiệp. Nếu cô phạm lỗi hành chính thì phạt hành chính, nếu vi phạm hình sự thì xử lý hình sự. Việc này do cơ quan điều tra kết luận".
Đồng hành với anh Dũng ngay từ khi nhận được lá đơn đầu tiên, điều tôi nghe nhiều nhất từ anh là mong muốn cô hiệu trưởng nói ra sự thật, anh sẽ rút đơn, anh sẽ không phải đề nghị cơ quan công an vào cuộc…
Nhưng rồi điều đó không xảy ra, để rồi gần 3 tháng qua anh đã phải quá vất vả trong hành trình tìm sự thật cho con mình. Bê trễ việc cơ quan là không tránh khỏi, xin nghỉ hết phép, rồi xin nghỉ việc nhà…, anh tâm sự, có lúc cảm giác mệt mỏi đến kiệt sức nhưng chưa bao giờ anh nản lòng trong hành trình ấy. Lúc thì phòng Giáo dục quận Cầu Giấy gọi lên đối chất với lãnh đạo nhà trường; khi thì cơ quan an ninh đề nghị cung cấp thêm thông tin, chứng cứ; lo tìm người trị liệu cho con ở nhà; lo cùng với giáo viên dạy con tiếp tục những bài tập viết, tập đọc, để con không bị tụt lại so với các bạn; lúc thì đưa con đi giám định thương tật theo yêu cầu của công tác điều tra. Rồi tiếp báo chí, trả lời những cuộc gọi bất kể ngày đêm của các phóng viên. Có ngày hàng trăm cuộc điện thoại gọi đến chỉ để hỏi một câu hỏi giống nhau, anh vẫn kiên nhẫn trả lời ngọn ngành, đầy đủ, điềm tĩnh dù người hỏi không phải ai cũng nghe và phản ánh đúng và trọn vẹn điều anh muốn nói.
Hai bố con anh Trần Chí Dũng trong một lần đi du lịch khi bé Trần Chí Kiên chưa bị tai nạn

Cũng trên hành trình ấy, không ít lần anh uất nghẹn, sửng sốt trước sự dối trá, thủ đoạn đến tận cùng của những người đứng đầu một môi trường giáo dục, những người được ban tặng thiên chức “mẹ hiền”.
Anh cũng phải luôn dặn mình giữ lấy sự tỉnh táo, vượt qua những lời kích động, bàn lùi hoặc xử lý cẩn trọng trước những tình huống bất thường. Ví như khi một người phụ nữ xưng là vợ của tài xế lái xe taxi đến gia đình anh để thăm cháu Kiên và cho biết cơ quan điều tra đã tìm ra chồng bà, rồi chồng bà đã khai ra sao với họ… Anh Dũng tiếp nhận nhưng phải xin địa chỉ của gia đình chị để hôm sau lẳng lặng tìm đến tận nhà họ xem người thật, việc thật ra sao…
Anh tâm sự: "Cháu đã khẳng định nhìn thấy trên xe có cô Hiệu trưởng và một cô giáo nữa và tôi tin vào điều cháu nói. Bằng linh cảm của người cha, tôi tin vào lời cháu nói hơn ai hết. Tôi đã có lần nói với con, dù có phải “lật tung cả thế giới này lên”, bố cũng quyết làm để tìm ra sự thật cho con".
Thế nhưng, theo anh Dũng, khi biết được thông tin qua báo chí về kết luận sự việc và quyết định kỷ luật với hiệu trưởng, hiệu phó, anh cũng bần thần, suy nghĩ mông lung. “Ước gì mình không bao giờ phải nghe cái kết luận và quyết định đau buồn này và cũng ước gì chân “anh Nghé” (tên ở nhà của bé Kiên - PV) vẫn nguyên vẹn như ngày nào của hơn 7 năm về trước, khi bố hân hoan đón “anh ta” từ tay bác sĩ”… - lời anh chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
Hết tháng 2 này gia đình anh sẽ đưa “Nghé” trở lại trường vì hiện nay cháu đã chống nạng đi lại được rồi. Chưa bao giờ, vì cách hành xử của cô Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng mà tôi mất tin yêu với cả tập thể giáo viên ở ngôi trường này. Vẫn còn những cô giáo như cô Nhung hàng ngày vẫn đến tận nhà dạy học cho “Nghé” mỗi buổi chiều, và chính cô Nhung là người đầu tiên trong trường đã lên tiếng vạch trần sự giả dối…
Kết lại một hành trình tuy không phải quá dài nhưng quá nhiều nước mắt và trở ngại, thật may đến hôm nay, điều anh tâm sự với chúng tôi vẫn không hề bi quan về nghề giáo và nhà giáo. Anh nói: “Dù thế nào tôi vẫn tin nhà giáo vẫn là những con người cao quý (ông nội, ông ngoại, bác của “anh Nghé”) đều là nhà giáo”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.