Đổi mới thi THPT quốc gia: Liệu có trở lại tồn tại 2 kỳ thi?

24/07/2019 07:01 GMT+7

Kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay sẽ dừng lại vào năm 2020 và được cải tiến vào năm 2021. Có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh những phương án đề xuất đổi mới kỳ thi này.

Cần một trung tâm khảo thí quốc gia

Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng: “Tổ chức một kỳ thi để xét tốt nghiệp và giao việc này về trường THPT, sở GD-ĐT thực hiện là phù hợp. Bởi lẽ cách tổ chức kỳ thi 2 trong 1 như hiện nay thực chất rất cồng kềnh, trọng trách của trường ĐH tham gia quá lớn. Trong khi đó, thực tế tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT trung bình hơn 90% và sự tham gia sử dụng kết quả kỳ thi này cho xét tuyển ĐH ngày càng giảm”.
Với phương án kỳ thi đó, vị trưởng phòng này cho rằng cần có một kỳ thi khác để phục vụ việc tuyển sinh các trường. Tuy nhiên, kỳ thi đó không phải do từng trường tổ chức mà giao các trung tâm khảo thí quốc gia tổ chức ở 3 miền Bắc, Trung và Nam. Trên cơ sở kết quả thi đó, các trường ĐH muốn sử dụng kết quả để xét tuyển thì nộp lệ phí về trung tâm này.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, phân tích: “Trong tương lai, nếu thực hiện kỳ thi theo đề xuất của nhóm nghiên cứu này thì thí sinh (TS) chỉ tham gia thi 3 môn: toán, văn và ngoại ngữ. Với mục đích xét tốt nghiệp là ổn, còn xét tuyển ĐH thì rất khó vì 3 môn này chỉ tương đương với 1 tổ hợp xét tuyển D01 hiện nay, trong khi các trường cần kiểm tra kiến thức học sinh ở các lĩnh vực khác”.
Khi đó, theo ông Dũng, bên cạnh kỳ thi này sẽ có thêm nhiều kỳ thi riêng do các trường tự tổ chức hoặc kết hợp các trường cùng tham gia tổ chức. Điều này có nghĩa sẽ quay trở lại trước đây khi tồn tại song song 2 kỳ thi trong một năm: thi để xét tốt nghiệp và thi để tuyển sinh. Khi đó, chỉ với TS cũng sẽ rất tốn kém chi phí, thời gian khi phải di chuyển xa.
Tổ chức một kỳ thi để xét tốt nghiệp và giao việc này về trường THPT, sở GD-ĐT thực hiện là phù hợp. Bởi lẽ cách tổ chức kỳ thi 2 trong 1 như hiện nay thực chất rất cồng kềnh, trọng trách của trường ĐH tham gia quá lớn
Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM
Theo quan điểm riêng, ông Dũng nêu ý kiến, vẫn là kỳ thi do chính các địa phương tổ chức tại địa phương nhưng phải sử dụng đề thi chuyên nghiệp do trung tâm khảo thí của Bộ trên cả nước. Kỳ thi này có thể chuyển dần từ làm bài trên giấy sang máy tính khi đủ cơ sở hạ tầng. TS ngoài thi 3 môn bắt buộc để xét tốt nghiệp (toán, văn, ngoại ngữ) có thể đăng ký thi thêm bài thi khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên để phục vụ việc xét tuyển ĐH.
“Cách thức ra đề thi theo hướng bài thi tổ hợp này cũng phù hợp với những thay đổi trong chương trình giáo dục phổ thông mới khi dạy học theo hướng tích hợp, liên môn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cần đảm bảo tính ổn định

Theo ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), năm nay tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao, để tăng khả năng tuyển sinh và chủ động chọn học sinh giỏi trước, các trường ĐH đa dạng hóa phương thức xét tuyển trong đó tuyển thẳng, học bạ, xét điểm bài thi năng lực... trước khi học sinh bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Điều này giúp giảm áp lực cho học sinh nhưng làm giảm chất lượng kỳ thi vì các em chỉ cần đậu tốt nghiệp chứ không cần điểm cao.
Sau năm 2020 sẽ đổi mới kỳ thi THPT trước khi chương trình phổ thông mới sẽ triển khai và tiếp tục đổi mới thi năm 2024, theo ông Bình là không nên vì việc thay đổi thi cử tạo tâm lý không tốt trong phụ huynh, giáo viên và học sinh.
“Việc điều chỉnh về phương án thi các năm gần đây luôn tạo tâm lý cho nhà trường, kể cả công tác phối hợp giữa các sở và các trường ĐH. Vì vậy nên có những điều chỉnh nhỏ, khắc phục những tồn tại để đảm bảo kỳ thi ổn định, giúp các trường chuẩn bị tốt, công tác dạy và học đảm bảo ổn định, tránh tạo tâm lý hoang mang cho giáo viên, phụ huynh, học sinh”, ông Bình đề nghị.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng vì thay đổi sách giáo khoa nên thay đổi phương thức thi là chưa phù hợp vì thay đổi sách giáo khoa thì chỉ tác động đến phương thức ra đề thi. Ông Nhân vẫn mong muốn việc xét tốt nghiệp được thực hiện nhẹ nhàng và có một kỳ thi chung để các trường xét tuyển. Hiện với nhiều phương thức xét tuyển mới nhưng đang không có một chuẩn chung để đánh giá.
“Cần có một hội đồng nghiên cứu cụ thể để thống nhất cách thức tổ chức kỳ thi theo hướng ổn định, tránh thay đổi quá nhiều. Còn nội dung kỳ thi có thể cập nhật theo thời gian để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới”, ông Nhân kiến nghị.
Riêng về việc tổ chức thi trên máy tính, theo ông Nhân, có thể thực hiện tại các sở GD-ĐT và không nhất thiết đồng loạt hơn 1 triệu TS trong một ngày để tránh áp lực trong tổ chức thi.

Ý kiến

Khó thực hiện
Khó thực hiện theo 2 phương án đề xuất vì hiện nay việc minh bạch thông tin, tiêu cực trong thi cử chưa đem lại sự tin tưởng của người dân. Chất lượng thi cử, đề thi, chấm thi... chưa tạo được an tâm của người dân. Về tổ chức cho TS làm bài trên máy tính càng không thể thực hiện do hiện nay số TS dự thi hằng năm quá lớn, trong khi cơ sở vật chất tổ chức kỳ thi chưa đồng bộ. Nếu trang bị để tổ chức sẽ rất tốn kém và việc thay đổi phương án thi liên tục như hiện nay sẽ dẫn đến lãng phí.
Phạm Phương Bình 
(Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Phát sinh thêm thủ tục
Hai phương án thi như đề xuất là không khả thi mà còn thêm phức tạp. Theo những phương án đưa ra, phải thêm 1 khâu cấp giấy chứng nhận hoàn thành THPT rồi sau đó mới đủ điều kiện để đăng ký thi THPT quốc gia. Vậy nếu học sinh không dự thi THPT quốc gia thì giấy chứng nhận này có ý nghĩa gì, được sử dụng trong mục đích nào?… Thêm một thủ tục cấp giấy chứng nhận thể hiện sự không tin tưởng vào chất lượng giáo dục của địa phương.
Hồ Hoàng Minh 
(Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Định, Q.8, TP.HCM)

Điều chỉnh nguyện vọng, nên hay không?

Hôm nay 24.7, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình về chủ đề “Điều chỉnh nguyện vọng, nên hay không?” tại: thanhnien.vn, Facebook.com /thanhnien và YouTube Thanh Niên.
Tham dự buổi trực tuyến, chuyên gia tuyển sinh đến từ các trường cung cấp thông tin về mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ, đặc biệt là có những dự báo về điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành. Thí sinh sẽ có thêm thông tin và những lời khuyên bổ ích về những việc cần làm trong giai đoạn này.
Chương trình gồm 3 đợt:
Đợt 1 (từ 10 - 11 giờ) gồm: tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt - Đức; thạc sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc Ban Tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Tân Tạo; thầy Tô Ngọc Hoàng Nguyên, Trường ĐH Hoa Sen.
Đợt 2 (từ 14 giờ 30 - 15 giờ 30) gồm: tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân; thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM; thạc sĩ Đường Anh Tân, Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn.
Đợt 3 (từ 15 giờ 45 - 16 giờ 45) gồm: thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; thạc sĩ Bùi Văn Thời, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Thanh Niên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.