Dùng bó đũa để dạy học sinh… đoàn kết

15/10/2016 14:32 GMT+7

Sáng 15.10, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề với chủ đề 'Vinh danh lễ giáo học đường'.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi những tiết học kỹ năng, tổ chức nhằm giúp học sinh hiểu hơn về những giá trị văn hoá truyền thống. Qua đó, giáo dục cách ứng xử của học sinh sao cho đúng với lễ nghi, hợp với thuần phong mỹ tục.
Từ những câu chuyện dân gian gần gũi, những điển cố, điển tích, diễn giả Hồ Nhật Quang đã giải thích ý nghĩa của nhiều hoạt động văn hoá đời thường như: dùng hình ảnh bánh tét để nói về tinh thần lá lành đùm lá rách, giúp học sinh hiểu về câu tục ngữ “lạt mềm buộc chặt”, hình ảnh cái bánh xèo với màu vàng tươi tượng trưng cho long bào của vua chúa thời xưa, nhân thịt lấy từ trên rừng tôm lấy từ sông nước gói chung để tạo ra một nét ẩm thực độc đáo... Nhiều học sinh cũng hào hứng với quy tắc đặt bình bông, đĩa trái cây trên bàn thờ gia tiên theo thứ tự “đông bình, tây quả”… Đây vốn là những văn hoá xuất hiện thường xuyên trong sinh hoạt hằng ngày, tuy nhiên thứ tự đặt làm sao cho đúng, cho hợp thì rất ít phụ huynh hướng dẫn cho con em mình.

Đặc biệt, nhiều học sinh cũng tỏ ra thích thú với câu chuyện về bó đũa. Đây là câu chuyện dân gian khá quen thuộc với thời tiểu học của mỗi học sinh nhưng đã được mở rộng gắn với quan hệ bạn bè, trường lớp. Nếu như biết đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập, trong rèn luyện thì chẳng những tập thể trường, lớp vững mạnh mà mỗi học sinh cũng tự trưởng thành hơn. Những hành động tiêu cực như bạo lực học đường, tung clip, nói xầu nhau lên mạng xã hội là không nên.
Chăm chú dõi theo từng câu chuyện của dịch giả, Trần Quỳnh Chi (lớp 10D2) nhận xét: “Chuyên đề hôm nay thật quá ý nghĩa. Từ việc không quan tâm, không hiểu gì về những sinh hoạt thường ngày em lại cảm thấy bị hấp dẫn bởi những ý nghĩa sâu xa đằng sau đó. Trước đây đi ăn bánh xèo thì em chỉ biết là ngon hoặc không ngon thôi chứ không hiểu vì sao bánh lại màu vàng, nhân lại có thịt có tôm. Hay nhìn ba mẹ thắp hương em cũng không hiểu vì sao lại phải châm đèn dầu. Tuy nhiên, qua chuyên đề này em đã hiểu hơn về ý nghĩa của những hành động đó”.

Tương tự, Trần Quốc Bảo (Lớp 11A5) hào hứng với những câu ca dao, tục ngữ do diễn giả Hồ Nhật Quang vận vào những câu chuyện vì cho rằng: “Ca dao, tục ngữ chính là lời răn dạy của người xưa được rút ra từ những chiêm nghiệm thực tế”. Bên cạnh đó, Phạm Thế Huy ( lớp 12 AB) lại tâm đắc nhất với những tiết mục văn nghệ xen kẽ do các nghệ sỹ chuyên nghiệp thể hiện. Đặc biệt là tiết mục ngày đầu tiên đi học được tác giả sáng tác theo lối vọng cổ làm Huy bị thu hút. Huy cho rằng: “Học sinh hiện nay cũng rất cần được nghe và thấu hiểu những bài hát quê hương, trữ tình. Những làn điệu nhẹ nhàng, sâu lắng này giúp nuôi dưỡng tâm hồn người trẻ”.
Hầu hết giáo viên có mặt cũng đánh giá cao chuyên đề này: “Lúc đầu, chúng tôi cứ nghĩ học sinh sẽ không thích những chương trình này. Tuy nhiên, qua những tràng pháo tay giòn tan sau mỗi câu nói hay, khi một bài hát vừa kết thúc của học trò chúng tôi nhận ra các em cũng khá quan tâm tới những giá trị văn hoá truyền thống. Từ những chuyên đề này hy vọng sẽ giúp học sinh hiểu hơn cách ứng xử của người xưa để điều chỉnh những tật sấu của mình. Giúp các em hoàn thiện nhân cách”, ông Nguyễn Viết Đăng Du (giáo viên lịch sử) chia sẻ.
Ông Hà Hữu Thạch (Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn) khẳng định, thời gian tới trường sẽ tăng cường những hoạt động tương tự giúp học sinh có được nhiều kiến thức thực tế, thoát khỏi lối học khuôn sáo. Đồng thời, cũng sẽ xây dựng kế hoạch học tập để học sinh tăng thêm hiểu biết từ thực tế, năng động phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế mà Trường Lê Quý Đôn đang hướng tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.