Chỉ còn 3 - 4 loại hồ sơ, sổ sách
Khi nói về việc quyết định giảm hồ sơ, sổ sách cho giáo viên (GV), ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết trước đây, Bộ đi kiểm tra, có nơi yêu cầu GV phải có tới 11 loại hồ sơ, sổ sách, rất áp lực, tốn thời gian và không cần thiết. Do vậy, Bộ quyết định giảm hồ sơ, sổ sách để GV dành thời gian cho công tác giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Sổ điện tử: nơi yêu cầu in ra, nơi không
Thực tế hiện nay nhiều địa phương đã cho phép GV dùng hồ sơ điện tử thay thế cho các sổ ghi chép tay như trước kia. Tuy nhiên, nhiều GV cho biết việc có phải in từ sổ điện tử ra hay không cũng cần phải làm rõ. Một số trưởng phòng giáo dục trung học của các sở cũng cho rằng sẽ có rắc rối nếu không quy định kỹ. Ví dụ, trường hợp HS chuyển trường nhưng nơi đi sử dụng học bạ điện tử thì nơi đến có chấp nhận không…
Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, cho rằng khi đã áp dụng hồ sơ điện tử thì nên có quy định thống nhất từ Bộ. “Nếu quy định hồ sơ điện tử nhưng cuối năm vẫn phải in ra, như thế thì không ổn. Vậy Bộ cần hướng dẫn rõ loại hồ sơ, sổ sách nào cần in, loại nào không”.
Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã có hướng dẫn tạm thời về việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử. Theo đó, GV có thể chuẩn bị giáo án, ghi chép nội dung sinh hoạt, hoạt động, thực hiện các hồ sơ, sổ sách khác và lưu trữ trong máy tính, không phải in ra giấy. Đối với việc soạn và kiểm tra giáo án với mỗi tiết dạy, GV cần lưu trữ và sử dụng tối đa (3 năm) kể từ khi sử dụng lần đầu…
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định đến nay tất cả trường của Hà Nội đã áp dụng sổ điểm và học bạ điện tử, tuy nhiên cuối năm GV vẫn phải in ra để kiểm tra, lưu trữ. Với giáo án, ông Tiến cho rằng về nguyên tắc mỗi GV đều phải có giáo án hoặc kế hoạch dạy học. Việc có phải in ra hay không không có quy định nào bắt buộc nhưng GV phải chủ động trong mọi tình huống. Ví dụ, máy móc trục trặc hoặc mất điện… thì không thể sử dụng được giáo án điện tử.
Ông Tiến cũng cho rằng giáo án điện tử nếu chỉ hiểu theo nghĩa đơn thuần rằng thay vì viết tay vào sổ sách như trước kia thì nay gõ và lưu trong máy tính là không đúng tinh thần thay đổi. Giáo án điện tử chỉ tác dụng thực sự khi GV kết hợp với ứng dụng công nghệ, làm cho bài dạy sinh động hơn nhờ các phần trình chiếu hình ảnh minh họa hoặc các thí nghiệm ảo…
Cần có hướng dẫn thực hiện
Ông Tiến cũng nêu quan điểm việc giảm hồ sơ, sổ sách với GV là rất cần thiết nhưng việc cắt giảm cần khoa học và phải trả lời được câu hỏi quan trọng nhất: Giảm sổ sách nhưng có giúp GV bớt việc đi không? Ví dụ, trước kia cán bộ quản lý có sổ dự giờ, sổ sinh hoạt chuyên môn, sổ theo dõi kết quả học tập của HS… thì nay tích hợp vào một đầu sổ.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng từng ban hành chỉ thị riêng về vấn đề giảm hồ sơ, sổ sách cho GV. Theo đó, GV được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định. Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của GV. Bộ cho rằng việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử của GV và nhà trường là minh chứng đánh giá tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin được quy định tại thông tư về chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và chuẩn nghề nghiệp GV cơ sở giáo dục phổ thông.
Đến thời điểm này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết hướng dẫn giảm hồ sơ, sổ sách cho GV sẽ được lồng ghép trong văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung mới của Điều lệ trường trung học, sắp được Bộ ban hành.
Bình luận (0)