Theo thầy hiệu trưởng Võ Hoàng Sơn, trước đây nhà trường cũng có một cái giếng đào. Tuy nhiên những năm gần đây do hạn hán liên tục xảy ra, khiến giếng đào này bị cạn nước.
Bởi vậy, thầy cô giáo của trường phải tận dụng chiếc ao nhỏ trong khuôn viên trường để lấy nước rửa tay chân. Thế nhưng nước ao cũng cạn kiệt dần, các giáo viên trong trường phải thay nhau nạo vét để lấy nước sử dụng (ảnh), đồng thời đến từng nhà người dân trong xã để xin nước đem về nấu nướng, ăn uống. Những ngày ao nước cạn khô, không có nước tắm giặt, các giáo viên nam phải ra sông suối tắm rửa. Giáo viên nữ phải đến nhà người dân tắm nhờ. Không chỉ riêng giáo viên, mà việc học tập của học sinh cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước rửa tay, vệ sinh.
“Trường có 31 cán bộ, giáo viên, gồm 18 lớp học với 511 học sinh ở cả 2 cấp. Các em học sinh ở đây chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống khó khăn. Hơn 5 năm nay, thầy và trò tại trường luôn mong muốn được hỗ trợ chiếc giếng khoan để thoát cảnh xin nước, vét ao mỗi mùa khô hạn”, thầy Sơn nói.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bà Võ Thị Kim Dung, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Sa Thầy, xác nhận mỗi năm trên địa bàn xã Mo Rai và Trường Võ Nguyên Giáp đều bị ảnh hưởng nặng nề do khô hạn.
“Hiện tại, chúng tôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn, chính quyền địa phương cùng phối hợp để cung cấp nước sạch đủ cho học sinh sử dụng. Vấn đề giếng khoan là niềm mong mỏi của thầy và trò xã Mo Rai từ lâu nhưng do địa bàn còn rất nhiều trường khó khăn nên vẫn chưa được giải quyết”, bà Dung cho biết.
Bình luận (0)