Hoàn tất chấm thi THPT quốc gia trong 5 - 7 ngày

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
01/07/2019 07:13 GMT+7

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên , đến thời điểm này các địa phương đang khẩn trương chấm thi tự luận , quét bài thi trắc nghiệm. Dự kiến việc chấm thi chỉ tiến hành trong 5 - 7 ngày tùy vào mỗi địa phương.

Các địa phương ráo riết chấm thi theo tiến độ

Hà Nội là địa phương có số lượng bài thi lớn nhất cả nước với hơn 74.000 thí sinh (TS) dự thi. Do vậy, việc huy động giám khảo chấm thi cũng như trang bị hệ thống máy móc cũng gấp hàng chục lần so với những tỉnh chỉ có vài nghìn TS.
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban chấm thi môn tự luận của Hà Nội, cho biết với hơn 74.000 bài thi môn ngữ văn, Hà Nội huy động 519 giáo viên làm cán bộ chấm với 16 tổ chấm, trong đó có 58 cán bộ chấm kiểm tra, đảm bảo chấm kiểm tra ít nhất 5% số bài thi.

Sáng 30.6, cán bộ chấm thi tiến hành chấm chung một số lượng bài thi nhất định để thống nhất cách chấm phù hợp, khách quan nhất. Chiều cùng ngày, bài thi môn ngữ văn của TS Hà Nội được tiến hành chấm chính thức.
Năm nay Bộ GD-ĐT phân công ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì chấm bài thi trắc nghiệm của TS Hà Nội. Nếu như một số tỉnh như Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hà Nam... chỉ cần trang bị 1 - 2 máy chấm thì Hà Nội bố trí tới 12 máy chấm và 70 cán bộ bao gồm cả người chấm và lực lượng an ninh, phục vụ túc trực.
Dự kiến ngày 1.7 việc quét phiếu trả lời trắc nghiệm của Hà Nội sẽ hoàn tất và gửi dữ liệu gốc (CD0) về Bộ để tiến hành chấm thi.
Tại Thái Bình, ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho hay toàn tỉnh năm nay có hơn 18.000 TS dự thi, tương đương với số lượng bài thi môn ngữ văn. Ban chỉ đạo thi của tỉnh đã tổ chức 6 tổ chấm bài thi tự luận, tiến hành chấm từ chiều 29.6.
Bà Đào Thị Thu Giang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương (đơn vị được giao chủ trì chấm trắc nghiệm tại Thái Bình), Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm tại tỉnh này, cho hay dự kiến, toàn bộ quy trình chấm thi trắc nghiệm sẽ hoàn tất sau ngày 5.7 tới.
Hà Nam chỉ có hơn 8.200 TS, Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật phụ trách chấm bài thi trắc nghiệm của tỉnh này. Bà Đinh Thị Lụa, Giám đốc Sở GD-ĐT, dự kiến việc chấm thi sẽ hoàn thành trong vòng tối đa 4 - 5 ngày.

Điểm 6 - 7 môn văn sẽ nhiều ?

Ngày 29.6, sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án và hướng dẫn chấm thi môn ngữ văn, đồng loạt các địa phương tiến hành phổ biến và cho giám khảo thảo luận về cách chấm môn này.
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng ban thường trực ban chấm thi tự luận của hội đồng thi TP.Hà Nội, cho biết: Hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT rõ ràng, dễ vận dụng. Trong buổi phổ biến và thảo luận về hướng dẫn cũng như quá trình chấm chung một số bài, không có cán bộ chấm thi nào thắc mắc hay băn khoăn về hướng dẫn chấm.

Cán bộ chấm thi tại Hà Nội

Tuệ Nguyễn

Một giám khảo ở Hà Nội cho biết, trong hai bài chấm chung thì có 1 bài 7 điểm. Dự kiến mức điểm 6, 7 của môn ngữ văn ở Hà Nội sẽ nhiều, nhưng để đạt được điểm 8, 9 đòi hỏi TS phải thực sự có năng lực về môn văn. Đồng quan điểm, cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, Q.Đống Đa, Hà Nội, cho rằng: Đề thi và đáp án năm nay khoa học và khơi gợi sáng tạo rất rõ. Tuy nhiên, với nhiều học sinh không say mê học môn ngữ văn thì sẽ luôn thấy ngại thể loại bút ký, vốn hiếm gặp ở chương trình ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông.
“Tôi nghĩ với học sinh học ban D, những em cả 3 năm theo học chú trọng các môn khoa học xã hội và có nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH khối có sử dụng điểm môn ngữ văn thì phổ điểm khoảng từ 6 - 7 điểm”, cô Nguyễn Kim Anh nói.

Chấm nhanh nhưng không vội

Kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia tại Hà Nội, Thái Bình đến thời điểm này, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đánh giá tích cực về việc chuẩn bị phương án chấm thi cũng như việc nắm vững và thực hiện đúng quy chế của các địa phương. Coi chấm thi là khâu quan trọng còn lại để quyết định sự công bằng, trung thực của kỳ thi năm nay, ông Độ đề nghị mỗi giám khảo, mỗi ban chấm thi cần làm hết trách nhiệm, khả năng và tuyệt đối tuân thủ quy định chấm thi theo quy chế và hướng dẫn của Bộ.
“Việc chấm thi cần tiến hành nhanh chóng nhưng không vì thế mà vội vàng, đảm bảo đúng tiến độ chấm thi theo quy định nhưng không làm tắt, không bỏ qua bất cứ quy trình nào mà quy chế thi đã quy định về khâu chấm thi.
Nhấn mạnh kết quả của kỳ thi này ngoài mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT nhưng cũng là căn cứ mà rất nhiều trường ĐH sử dụng để tuyển sinh nên mức độ cạnh tranh rất lớn, đòi hỏi việc chấm thi phải đảm bảo công bằng, khách quan nhất. “Tôi mong các cán bộ tham gia chấm thi sẽ hoàn thành nhiệm vụ bằng tất cả trách nhiệm, trí tuệ, sự tâm huyết của mình để đảm bảo kết quả thi trung thực nhất, phản ánh được đúng chất lượng bài làm của TS”, ông Độ nói.

Hôm nay (1.7), dự kiến công bố đáp án các môn trắc nghiệm

Trao đổi khi đi kiểm tra chấm thi tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết qua nắm tình hình chung, tiến độ chấm trắc nghiệm của các địa phương thấy rằng đến ngày 1.7 các địa phương sẽ hoàn thành việc quét bài thi trắc nghiệm và gửi dữ liệu gốc (CD0) về Bộ GD-ĐT. Do vậy, trong ngày 1.7, Bộ dự kiến sẽ công bố đáp án của tất cả các môn thi trắc nghiệm để các ban chấm thi tiến hành chấm, đồng thời để các em học sinh và xã hội cùng biết và giám sát về đáp án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.