Lớp 6 chương trình mới có căng như lớp 1?

Bích Thanh
Bích Thanh
28/01/2021 09:19 GMT+7

Năm học tới, chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức áp dụng ở bậc THCS bắt đầu từ lớp 6. Hiện tại các quận, huyện và các trường tại TP.HCM đang tiến hành các công tác chuẩn bị.

Giảm áp lực 2 buổi/ngày

Năm học 2021 - 2022 sẽ là năm học đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 thực hiện ở bậc THCS. Nếu như năm 2020 khi chương trình bắt đầu thực hiện với lớp 1, lãnh đạo phòng giáo dục một số quận, huyện “mất ăn mất ngủ” để đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh (HS) thì năm học sắp tới, việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho HS lớp 6 có phần “giảm nhiệt”.
Chương trình GDPT 2018 ở THCS quy định thời lượng giáo dục mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học, mỗi tiết học 45 phút. Tiêu chí học 2 buổi/ngày dừng ở mức khuyến khích nếu các trường đủ điều kiện thực hiện. Chính điều này đã giảm áp lực việc phải đảm bảo dạy 2 buổi/ngày đối với 24 quận, huyện tại TP.HCM.

Tăng số tiết môn tin học, ngoại ngữ

Theo phân tích của lãnh đạo Phòng Giáo dục Q.Bình Tân, trong kế hoạch giáo dục của Chương trình GDPT 2018, số tiết học trung bình/tuần bậc THCS là từ 29 đến 29,5. Nếu tổ chức dạy một buổi thì HS học từ thứ hai đến thứ bảy có thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Tuy nhiên, đây là chương trình chung cho HS cả nước nên môn ngoại ngữ học 3 tiết/tuần, môn tin học là 1 tiết/tuần. Trong khi TP.HCM đang định hướng phát triển năng lực ngoại ngữ và tin học cho HS nên số tiết 2 môn này cần thêm ít nhất là gấp 2 lần. Do vậy, vị lãnh đạo trên nói rằng, thực hiện chương trình mới để đảm bảo số tiết, TP vẫn khuyến khích các quận huyện tăng tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày.
Tại 2 quận, huyện có áp lực về dân số hiện nay là Bình Tân và Bình Chánh thì tỷ lệ 2 buổi/ngày lần lượt là 32% và 56%. Lãnh đạo Phòng Giáo dục Q.Bình Tân cho hay nhu cầu học 2 buổi/ngày đối với HS THCS không cao như tiểu học. Nhiều gia đình, phụ huynh chủ động đăng ký cho con em học 1 buổi để buổi còn lại trong ngày có thể tham gia các lớp học kỹ năng, lớp học ngoại ngữ, học văn hóa ngoài nhà trường. Do vậy, phòng giáo dục giao hiệu trưởng các trường chủ động sắp xếp hoạt động giáo dục dạy học chứ không bắt buộc phải 2 buổi/ngày như tiểu học.

Ai sẽ dạy hoạt động giáo dục trải nghiệm ?

Về công tác chuẩn bị nhân sự thực hiện chương trình mới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết thực hiện theo yêu cầu của Sở, nhà trường đã đề xuất danh sách giáo viên (GV) dự kiến dạy lớp 6 trong năm học 2021 - 2022. Hiện những GV này đang lần lượt tham gia tập huấn theo từng modul, từng môn học trong đó có GV phụ trách hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp.
Được biết, trong chương trình giáo dục mới, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là bắt buộc và có số tiết học quy định. Trung bình mỗi tuần sẽ có 3 tiết dành cho hoạt động này. Tuy là hoạt động giáo dục bắt buộc nhưng do không có mã ngành đào tạo trong trường sư phạm nên chưa có GV chuyên trách cũng như không có vị trí việc làm trong nhà trường. Vì vậy các trường không thể tuyển GV dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp mà phải cân đối sắp xếp để trong lực lượng cơ hữu kiêm nhiệm, tập huấn chương trình.
Còn lãnh đạo Phòng Giáo dục Q.Bình Tân cũng cho hay đã triển khai các trường THCS chủ động đề xuất GV tham gia tập huấn. Ngoài ra, trong trường hợp các trường có phối hợp với các trung tâm kỹ năng sống thì phải lựa chọn đơn vị đã được Sở GD-ĐT thẩm định về GV, về chương trình và đã được Sở cấp phép hoạt động.
Một hiệu trưởng THCS tại quận nội thành cho biết nhà trường đề xuất GV phụ trách hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp trên nền tảng là GV các môn xã hội, GV thiếu tiết trách nhiệm đi tập huấn chương trình. Tuy nhiên, hiệu trưởng một trường THCS tại Q.Bình Thạnh nêu quan điểm vẫn cần phải có GV đào tạo bài bản để hướng dẫn học trò trải nghiệm đúng cách. Có kiến thức, am hiểu, nghiên cứu về ngành nghề để hướng nghiệp phù hợp năng lực HS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.