Lớp chọn: Cấm nhưng sao vẫn tồn tại?

04/08/2019 15:24 GMT+7

Năm học mới 2019-2020 sắp bắt đầu là lúc phụ huynh phải lo toan học phí, áo quần, sách vở... cho con và cũng không ít phụ huynh còn lo cho con vào... lớp chọn.

Xuất phát từ chỉ tiêu thành tích học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia của trường, của địa phương và cũng là thương hiệu của trường nên nhiều hiệu trưởng đầu tư cho việc hình thành lớp chọn trong trường.

Có trường hợp 'chạy vào lớp chọn'

Để tổ chức lớp chọn, mỗi trường đầu năm học có cách “lựa gà” riêng. Có trường tổ chức thi tuyển vào lớp chọn (lớp 4 đối với tiểu học, lớp 6 đối với THCS); cũng có trường xét tuyển dựa vào học bạ.
Được vào lớp chọn là vinh dự cũng là áp lực với học sinh. Các em phải thi đua học để được chọn vào đội tuyển thi huyện, tỉnh. Do vậy ngoài việc học chính khóa với lượng kiến thức nâng cao, các em còn phải tham gia bồi dưỡng để thầy cô “luyện gà” thi đấu, đi học thêm... Nếu đạt giải huyện, các em tiếp tục được bồi dưỡng để thi tỉnh, chẳng có thời gian giải trí, nghỉ ngơi, vui chơi…Đối với học sinh lớp chọn chỉ có học và học.
Vì vậy một số ít phụ huynh thấy con quá áp lực trong việc học, mất cả tuổi thơ, nên đã xin cho ra khỏi lớp chọn hoặc chuyển trường khác. Tuy nhiên, đa số thích con học lớp chọn vì được học với thầy cô có năng lực, có kinh nghiệm bồi dưỡng, có tâm huyết được nhà trường phân công giảng dạy, chủ nhiệm giúp con em phát huy năng lực, đạt thành tích cao. Chính vì thế nhiều phụ huynh bằng mọi cách cho con vào lớp chọn, từ việc cho luyện thi đến nhờ vả thậm chí “chạy vào lớp chọn”…là một thực tế hiện nay.

Hệ lụy không ít

Việc hình thành lớp chọn cũng có ưu điểm thuận lợi cho việc bồi dưỡng học sinh giỏi để tham gia các kỳ thi, phát triển năng lực học sinh, tạo động lực học tập phát triển đẩy mạnh phong trào học sinh giỏi trong nhà trường. Tuy nhiên hệ lụy của nó cũng không ít.
Đó là việc thầy cô giáo được phân công dạy và không được dạy lớp chọn đã tạo ra sự phân biệt không đáng có, gây mất đoàn kết, thiếu công bằng giữa học sinh giữa các thầy cô với nhau trong nhà trường do vậy nhiều thầy cô đề nghị bốc thăm lớp dạy, lớp chủ nhiệm là vậy. Rồi thầy cô được dạy, chủ nhiệm lớp chọn thì vui vẻ bởi toàn là học sinh có học lực giỏi, hạnh kiểm khá tốt trở lên, thành tích thi đua cuối năm khỏi phải lo lắng, tự nhiên mặc định là giáo viên giỏi, được nhà trường tín nhiệm, học sinh phụ huynh cũng theo đó tôn trọng kính nể. Ngược lại thầy cô dạy, chủ nhiệm lớp thường, tập trung những học sinh còn lại “tấm dưới sàn” thì vất vả vô cùng, lớp không có nhân tố điển hình (học sinh giỏi) để kích thích bạn bè thi đua học tập, khi tham gia phong trào cũng không có hạt nhân để tập hợp các bạn, thi đua cuối năm luôn ở vị trí thấp là đương nhiên.

Học sinh cần tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để phát triển toàn diện (Ảnh minh họa)

Đào Ngọc Thạch

Thầy cô được nhà trường phân công dạy lớp thường đều có chung nhận xét: “Ở các lớp này không có tinh thần, động cơ thi đua học tập vì em nào cũng như em nấy, học yếu như nhau nên rất cực nhọc trong việc giảng dạy do phải đầu tư thời gian, công sức … rất nhiều nhưng các em tiếp thu chậm vì năng lực hạn chế. Đã vậy còn phải chịu tiếng là dạy dở mặc cảm với đồng nghiệp, học sinh phụ huynh. Sự thiếu công bằng này là tiền đề cho việc mất đoàn kết trong nội bộ thầy cô, sự phân biệt trong học sinh từ lớp chọn mà ra như phân tích ở trển.
Vậy có cần thiết phải lập lớp chọn không ? Giữa lợi ích và hệ lụy hiệu trưởng nên cân nhắc. Còn việc các trường lập lớp chọn cấp quản lý là phòng, sở Giáo dục có biết không? Câu trả lời là có, nhưng không có cơ sở để xử lý bởi khi kiểm tra nhiều hiệu trưởng tìm cách đối phó, lập luận: Đó không phải là lớp chọn vì vẫn dạy theo chương trình chung, thầy cô giảng dạy, chủ nhiệm được thay thế luôn phiên hàng năm, không có tồn đọng gì trên hồ sơ là lớp chọn.
 
Công văn số 2449 ngày 27/5/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: “Nghiêm cấm việc tổ chức các trường chuyên, lớp chọn ở cấp học mầm non, tiểu học và THCS dưới bất kỳ hình thức nào". Thế nhưng thực tế lớp chọn vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức từ tiểu học đến THCS. Đa số thầy cô rất mong hiệu trưởng các trường xem xét toàn diện lợi ích và hệ lụy của việc lập lớp chọn ở cấp tiểu học, THCS. Đừng vì chất lượng mũi nhọn, thành tích mà quên đi chất lượng đại trà. Đặc biệt giáo dục phải tạo ra sự công bằng, không có sự phân biệt giữa học sinh với học sinh và thầy cô với thầy cô  trong cùng một trường học. Điều này cũng là việc thực hiện nền nếp, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật của mọi công dân.
 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.