Quy định đã có nhưng chưa làm được
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội), cho rằng dự thảo thông tư Bộ GD-ĐT mới công bố là một chủ trương rất tích cực và là cái đích chúng ta cần hướng tới trong kiểm tra, đánh giá học sinh (HS).
Tuy nhiên, ông Khang cũng bày tỏ lo lắng khi cho rằng hiện nay, các môn học được đánh giá bằng điểm; riêng các môn âm nhạc, mỹ thuật và thể dục đánh giá bằng nhận xét “đạt” hoặc “không đạt”. Đặc biệt, môn giáo dục công dân lâu nay ngoài đánh giá bằng điểm còn yêu cầu nhận xét bằng lời. Nhưng thực tế, cũng như những môn khác, giáo viên (GV) không có nhận xét gì, thường để trống chỗ này trong học bạ.
Một điểm mới trong dự thảo thông tư mà nhiều người quan tâm, đó là hầu hết các môn đều có việc đánh giá bằng điểm số và bằng nhận xét. “Về ý nghĩa giáo dục và tính sư phạm đối với việc đánh giá HS kết hợp điểm số (định lượng) và nhận xét (định tính) là rất nên làm. Tuy nhiên, có làm được, làm chu đáo được hay không lại là điều cần bàn kỹ”, ông Khang nói.
Ông Khang nêu thực tế ở những nước phát triển, lớp học trên dưới 20 HS. GV chỉ dạy vài ba lớp, tập trung vào chuyên môn. Vì thế, GV “nắm” HS rất kỹ. Họ thường có những nhận xét rất sâu sắc về HS, nêu được đặc điểm của từng em, giúp HS biết phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của mình.
“Nhận xét HS là một nghệ thuật, GV phải có tâm và có tầm. Ở nước ta, lớp học 30 - 40 HS, thậm chí nhiều hơn. GV để đạt 20 tiết/tuần phải dạy ít nhất 4 lớp, nhiều nhất... 20 lớp. Ngoài công việc chuyên môn, GV còn phải làm nhiều việc khác. Vì vậy, rất khó nhận xét chu đáo từng HS như mong muốn. Tôi mong Bộ GD-ĐT có giải pháp đồng bộ để khi quy định mới về đánh giá HS trung học chính thức được ban hành, yêu cầu đánh giá HS bằng điểm số và bằng nhận xét không rơi vào tình trạng tương tự như môn giáo dục công dân hiện nay”, ông Khang đề xuất.
Tôi mong Bộ GD-ĐT có giải pháp đồng bộ để khi quy định mới về đánh giá học sinh trung học chính thức được ban hành, yêu cầu đánh giá HS bằng điểm số và nhận xét không rơi vào tình trạng tương tự như môn giáo dục công dân hiện nayNguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie, Hà Nội) |
Không ít GV cũng lo ngại điều này. Hơn nữa, khi tăng cường đánh giá bằng nhận xét thì GV lại bị áp lực bởi hồ sơ, sổ sách giống như thời điểm GV tiểu học thực hiện đánh giá HS theo Thông tư 30. Một GV dạy địa lý tại một trường THCS tại Q.Đống Đa (Hà Nội) cho hay khác với tiểu học, một GV, nhất là GV dạy các môn như sử, địa..., phải dạy rất nhiều lớp. Nếu mỗi ngày phải viết nhận xét hàng trăm HS thì không thể làm nổi. Không ít GV bày tỏ lo ngại, áp lực về hồ sơ, sổ sách mà Bộ GD-ĐT đang yêu cầu giảm tải cho GV sẽ quay trở lại khi thực hiện quy định mới về đánh giá HS.
Nhận xét không có nghĩa là ghi chép
Xung quanh vấn đề này, ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết đổi mới kiểm tra đánh giá được thực hiện theo hướng tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng, tức kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số. Đánh giá bằng nhận xét không thực hiện chung chung mà bằng sự tiến bộ của người học về thái độ, hành vi, kết quả sản phẩm học tập của HS.
Theo ông Hồng, khi xây dựng dự thảo, Bộ đã tính toán tính khả thi, một số môn ở THCS và THPT, GV phải dạy nhiều lớp... Do vậy, đánh giá bằng nhận xét không có nghĩa là yêu cầu GV phải ghi chép và phải thiết lập một hệ thống hồ sơ, sổ sách để nhận xét mà GV sẽ được hướng dẫn, tập huấn bài bản về kỹ thuật nhận xét. Các hình thức kiểm tra đánh giá sẽ đa dạng như: hỏi đáp, viết, thuyết trình, đánh giá bằng sản phẩm học tập. Đồng thời, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá HS.
Ông Hồng cũng thông tin, không chỉ ra văn bản, Bộ sẽ tiến hành tập huấn về quy trình kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho HS, tránh cách hiểu sai về đánh giá bằng nhận xét như khi thực hiện Thông tư 30 về đánh giá HS ở tiểu học.
Bình luận (0)