Ngành học nào đòi hỏi tư duy sáng tạo, thẩm mỹ?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
17/03/2021 08:31 GMT+7

Học ngành kỹ thuật có dễ kiếm việc làm, đăng ký các ngành mỹ thuật , kiến trúc, thiết kế... có cần năng khiếu hay không?

Đó là những thắc mắc được các chuyên gia tư vấn giải đáp trong chương trình trực tuyến 'Chọn ngành cho tương lai' do Báo Thanh Niên tổ chức tối 16.3.
Chương trình được phát trực tiếp trên các kênh thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên. Chương trình nhận được sự tài trợ của THACO.

Không có năng khiếu có thể học mỹ thuật, thiết kế ?

Có mặt tại chương trình tư vấn, họa sĩ Phan Vũ Linh, Trưởng ngành Nghệ thuật số - Digital Art Trường ĐH Hoa Sen, nhận định khối ngành mỹ thuật, kiến trúc là ngành đặc thù, cần năng khiếu đặc biệt về nghệ thuật, hội họa. Tuy nhiên, năng khiếu không phải là yếu tố quyết định tất cả mà chỉ là một lợi thế. “Nếu các em chỉ có năng khiếu mà không có sự đam mê, quyết tâm, và không có môi trường tốt thì cũng rất khó phát huy. Kinh nghiệm qua nhiều năm đào tạo cho thấy có nhiều em không hẳn có năng khiếu nhưng khi có quyết tâm và được đào tạo bài bản thì vẫn phát triển rất tốt. Do vậy nếu có đam mê, chịu khó tìm tòi và có định hướng từ trước để trở thành người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật thì các em cứ mạnh dạn nộp hồ sơ và hoàn toàn có thể theo đuổi”, họa sĩ Phan Vũ Linh nhìn nhận.

Thế nào là sự sáng tạo ?

Theo họa sĩ Phan Vũ Linh, tố chất khá quan trọng để học nhóm ngành này là sự sáng tạo. “Nhưng sáng tạo ở đây không có nghĩa là phải nghĩ ra một cái hoàn toàn mới, mà các em có thể kết hợp nhiều yếu tố để cho ra đời một sản phẩm có cá tính riêng, mới mẻ so với những gì người khác đã làm. Đặc biệt các phương tiện để thể hiện sự sáng tạo ngày nay rất khác với ngày xưa. Chẳng hạn trước đây để tạo ra một con khủng long trưng bày phải cần 10 nghệ sĩ làm việc trong cả tháng trời, nhưng ngày nay chỉ cần một bạn nữ ngồi trên máy thiết kế, sau đó in 3D là có được sản phẩm như mong muốn mà quá trình này chỉ mất trong vòng 2 tuần… Như vậy, công nghệ phát triển hỗ trợ rất nhiều để các em có thể thể hiện sự sáng tạo”.
Thạc sĩ Nguyễn Vương Hồng, quyền Trưởng bộ môn ngành thiết kế nội thất, Khoa Kiến trúc - Xây dựng - Mỹ thuật ứng dụng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đánh giá: “Lâu nay chúng ta hiểu năng khiếu được biểu hiện qua việc vẽ, nhưng thật ra năng khiếu có nhiều dạng như cảm thụ không gian, bố cục, màu sắc, sắp xếp logic… Vẽ chỉ là một công đoạn, để ra một sản phẩm thiết kế rất cần kết hợp rất nhiều bộ môn về kỹ thuật. Vẽ tốt chỉ giúp hỗ trợ. Những bạn có nền tảng vẽ tốt thì ban đầu có đi nhanh hơn một chút so với những bạn vẽ kém hơn, nhưng khả năng cảm thụ không gian, màu sắc, bố cục, màu sắc thì về sau mới bộc lộ. Các em đừng quá lo lắng khi lúc đầu vẽ chưa đẹp, kỹ năng vẽ sẽ được trường đào tạo trong quá trình học. Hơn nữa có nhiều công cụ hỗ trợ để các em thể hiện ý tưởng của mình chứ không chỉ vẽ”.

Thạc sĩ Lý Quốc Huy, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Các công ty hiện không đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu nên thường tìm những sinh viên giỏi. Sinh viên mới tốt nghiệp có nhiều bạn có mức lương 20 triệu đồng/tháng.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cũng cho rằng khối ngành thiết kế mỹ thuật có sự chắt lọc thí sinh cao do đòi hỏi môn năng khiếu và tính sáng tạo. “Để sáng tạo, người học phải ham học hỏi cái mới, tiếp nhận cái mới một cách dễ dàng. Còn về năng khiếu thì hiện nay các ngành học này có sự giao thoa giữa năng khiếu với yếu tố công nghệ thông tin. Các em có thể sử dụng máy móc để vẽ chứ không phải dùng tay như trước đây. Vì thế, các em hoàn toàn có thể rèn luyện để phát huy năng lực của mình”, tiến sĩ Hải lưu ý. Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cũng chia sẻ ngoài các yếu tố trên thì người học phải có tư duy logic, khả năng phân tích, đánh giá và tính thẩm mỹ cao.

Thầy Đỗ Lê Hoàng, Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2

Học ngành kỹ thuật có phần vất vả hơn nên đăng ký học ngành này thì các em cần đam mê.
Về cơ hội việc làm và mức thu nhập của người học nhóm ngành này, thạc sĩ Lý Quốc Huy, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay nhu cầu nhân lực luôn cao, ngay khi ngồi trên ghế giảng đường rất nhiều sinh viên đã kiếm được thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng. “Các công ty hiện không đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu nên thường tìm những sinh viên giỏi tay nghề, chuyên môn để nhận các dự án thiết kế. Sinh viên mới tốt nghiệp có nhiều bạn có mức lương 20 triệu đồng/tháng”, thạc sĩ Huy thông tin.

Nhóm ngành kỹ thuật dễ trúng tuyển, dễ kiếm việc làm

Làm việc tại một trường có đào tạo nhiều ngành kỹ thuật bên cạnh kiến trúc, mỹ thuật, tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết thí sinh đăng ký khối ngành kỹ thuật có rất nhiều lợi thế như dễ trúng tuyển (có những ngành chỉ cần đạt 18, 19 điểm xét học bạ), học phí rất thấp so với mặt bằng chung, và ra trường có việc làm ngay.

PGS-TS Nguyễn Quốc Hưng, Trường ĐH Việt Đức

Các ngành cơ khí, khoa học máy tính và điện tử… tại trường có trên 98% sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với chuyên ngành đã học.
“Nhóm ngành kỹ thuật rất cần thiết trong giai đoạn phát triển hiện nay, nhu cầu nhân lực luôn luôn khát. Theo dự báo, năm 2020 - 2025 nhu cầu nhân lực khối ngành kỹ thuật chiếm tới 30% nhân lực toàn bộ các ngành nghề. Đây cũng là một trong những nhóm ngành được Cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép di chuyển giữa các nước thành viên. Tại trường, ngay từ năm 3, năm 4 nhiều em đã có việc làm, được doanh nghiệp tuyển dụng chính thức sau khi tốt nghiệp ở các ngành như công nghệ kỹ thuật ô tô, tự động hóa, nhiệt lạnh, kỹ thuật xây dựng…”.

Thạc sĩ Nguyễn Vương Hồng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Lâu nay chúng ta hiểu năng khiếu được biểu hiện qua việc vẽ, nhưng thật ra năng khiếu có nhiều dạng như cảm thụ không gian, bố cục, màu sắc, sắp xếp logic…
Tiến sĩ Võ Thanh Hải cũng thông tin tại Trường ĐH Duy Tân sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật có việc làm ngay lên tới hơn 95%, đặc biệt ngành kỹ thuật xây dựng là 100%. “Bên cạnh đó, mức điểm trúng tuyển vào những ngành này ở nhiều trường không quá cao, thí sinh có lực học trung bình khá là có cơ hội trở thành sinh viên”, tiến sĩ Hải cho biết.
Theo PGS-TS Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, các ngành cơ khí, khoa học máy tính và điện tử, kỹ thuật xây dựng… tại trường có trên 98% sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với chuyên ngành đã học. Ông Đỗ Lê Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, nhận định và thông tin thêm: “Học ngành kỹ thuật có phần vất vả hơn nên đăng ký học ngành này thì các em cần đam mê. Hiện nhà trường đang vận hành theo hệ thống đào tạo theo tiêu chuẩn của Đức và kết hợp với các công ty trong đào tạo nhân lực để thích ứng với nghề nghiệp. Ngay từ năm 3, sinh viên của trường đi thực tập tại doanh nghiệp đã được tuyển dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.