Nhớ về người thầy giản dị Nguyễn Nguyên Trứ

Phó giáo sư, nhà giáo ưu tú Nguyễn Nguyên Trứ (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) ra đi nhưng đã để lại trong lòng bao thế hệ học trò hình ảnh một người thầy bình dị, đáng kính.

"Thầy thương các em quá!"

Đầu năm 1985, tôi chuyển công tác từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội II vào TP.HCM. Về Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, lần đầu tiên họp tổ ngôn ngữ để "nhập gia" cũng là lần đầu tôi được gặp thầy Nguyễn Nguyên Trứ. Thầy giống như ông thầy đồ xưa từ lời nói, phong thái cho đến cách ứng xử và rất dễ gần. Ấn tượng đầu tiên ấy tôi không thể quên. Sau này, mỗi khi trò chuyện với thầy từ chuyện nghề đến chuyện đời, bao giờ tôi cũng thấy rất vui, rất thoải mái. Bạn bè tôi cũng có chung cái cảm nhận đó.
Những năm trước đổi mới, đời sống của mọi người dân nói chung, của giáo viên nói riêng rất khó khăn. Đồng lương không đủ sống, mọi người nháo nhác kiếm việc làm thêm, nhưng chẳng dễ gì. Bạn bè tôi, ai xin được cái chân kéo cửa cuốn cho một nhà hàng, chân rửa chén cho một tiệm ăn hay xay mướn cà phê cho một quán giải khát… là vô cùng may mắn.
Thầy Trứ lúc đó có suất dạy bổ túc văn hóa ở 1 trường cấp III (bây giờ là Trường THPT Lê Quý Đôn). Thời ấy, hình thức dạy học này còn rất phổ biến. Thù lao không cao, nhưng đều đều, có thể giúp cho chai mắm, hũ muối, nồi cơm của cả nhà đầy hơn. Thấy gia đình tôi khó khăn (tôi và con gái mới chân ướt chân ráo từ Hà Nội chuyển vào, cuộc sống khá ngặt nghèo), thầy đã nhường suất dạy tối ấy cho chúng tôi.
Cũng được vài ba năm, khi bổ túc văn hóa vãn hồi, thầy nhủ tôi cùng thầy làm một cuốn sách. Nhuận bút nhận được thầy cho tôi phần hơn. Tiền không bao nhiêu, nhưng cái tình thì không thể đong đếm được.
Sau này, mỗi khi ôn nghèo kể khổ, tôi thường nhắc đến câu chuyện thầy giúp trò kiếm sống ấy. Không chỉ với gia đình tôi, với những đồng nghiệp khác của tôi thầy cũng luôn quan tâm như thế. Một người bạn của tôi kể rằng cái dạo còn chế độ tem phiếu, giáo viên mỗi tháng 13 kg cả gạo, bột mì hoặc bo bo, nhà mình không mấy khi không có khách. Lúc là bà con họ hàng từ quê vào, lúc thì bạn bè ở tỉnh lên nên cơm áo gạo tiền lúc nào cũng bấn. Những lần thầy Trứ ghé thăm đều gặp đúng lúc nhà có khách như thế. Lần ấy, khi tiễn thầy về, thầy ngậm ngùi chia sẻ: "Thầy thương các em quá!".

Bình dị và chỉn chu 

Cách đây không lâu, tôi và mấy người bạn đến thăm thầy nằm bệnh viện. Thầy ốm lắm. Xung quanh thầy vẫn còn đầy máy móc dây nhợ. Thầy nằm dán chặt xuống cái nệm dày cộp, trắng toát ráng đưa bàn tay gầy guộc, run run ra nắm tay chúng tôi. Câu đầu tiên thầy hỏi: "Các em có khỏe không?" khi chúng tôi mới chỉ kịp chào: "Thầy ạ!".
Thầy là vậy, luôn luôn nghĩ cho người khác khiến chúng tôi cảm thấy gần gũi và thật ấm áp mỗi khi trò chuyện cùng thầy. Cách thầy chỉ bảo lớp trẻ chúng tôi nhẹ nhàng như không mà sâu sắc, thấm thía. Với người này, thầy nhắc nhớ chữ khiêm, với người kia thầy dành cho chữ nhẫn, với người nọ thầy khuyên phải biết lượng thứ. Tôi nhớ câu nói của thầy: "Người ta chỉ có thể thanh thản nếu biết tha thứ". Thực tế cho thấy học để biết tha thứ hơn là để kết tội quả không dễ.
Lúc khó khăn đã đành, ngay khi dư dả, thầy vẫn quen nếp sống giản dị của một thầy đồ xưa. Ở trong ngôi nhà khá sang trọng, đầy đủ tiện nghi với các thiết bị hiện đại như bây giờ, thầy vẫn thích dùng chiếc gáo dừa để múc nước, vẫn quạt bằng cái quạt mo cau hay quạt nan.
Thầy nói: "Những đồ sang trọng, hiện đại không hợp với tôi, tôi thích những thứ bình dị dân dã của các cụ ta xưa… Cái đói nghèo trước đây luôn nhắc nhở tôi không được lãng phí".
Bình dị nhưng không xuề xòa. Thầy chỉn chu từ lời ăn tiếng nói đến cách cư xử với mọi người. Lúc nào thầy cũng nhẹ nhàng nhã nhặn. Sau những buổi họp tổ chuyên môn, chúng tôi thường nán lại nhờ thầy giải nghĩa các từ gốc Hán khi không hiểu, hỏi thầy các tầng nghĩa của ngôn từ trong các tác phẩm văn chương. Những lúc như thế, thầy hào hứng say sưa lắm và giảng giải cặn kẽ đến nơi đến chốn.
Ai đó đã từng nói, những gì đi từ trái tim cũng sẽ đi vào trái tim. Những điều thầy nói, những việc thầy làm xuất phát từ tình thương, sự đồng cảm, sẻ chia: cho đi vui hơn là nhận đã chạm đến tim tôi, bạn bè cùng trang lứa với tôi và các thế hệ sau nữa để chúng tôi sống tốt hơn, tử tế hơn. Mỗi mảnh ký ức về thầy, về tất cả các thầy cô đáng kính của chúng tôi mãi là giai điệu đẹp hòa vào bản hợp xướng bài ca sư phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.