Trong đó có công sức không nhỏ của nữ tiến sĩ gốc Việt Natalie Tran, Giám đốc NRCAL, Trưởng khoa Giáo dục trung học tại Trường giáo dục thuộc CSUF.
Nữ tiến sĩ tâm huyết
Với tuổi thơ đầy biến động và việc học tập nhiều lần bị gián đoạn, bà Tran quyết tâm trở thành một nhà lãnh đạo giáo dục để có thể đưa ra những chính sách công bằng hơn cho các học sinh đang gặp tình cảnh như bà ngày xưa. Do đó, sau khi lấy bằng cử nhân tâm lý học năm 2002 và thạc sĩ giáo dục khoa học năm 2004 tại Đại học bang California - Los Angeles, bà Tran gói ghém hành trang đi xuyên nước Mỹ để theo đuổi học vị tiến sĩ ngành lãnh đạo giáo dục và phân tích chính sách tại Đại học Wisconsin - Madison, theo tờ Daily Titan. Năm 2008, bà đạt được học vị tiến sĩ và giảng dạy tại Đại học bang California - Bakersfield. Hai năm sau, bà chuyển sang CSUF.
Năm 2014, bà đi đầu thành lập NRCAL, một trong số 16 trung tâm tài liệu về ngôn ngữ trên toàn nước Mỹ do Bộ Giáo dục Mỹ tài trợ. Dưới sự lãnh đạo của tiến sĩ Tran, NRCAL giúp giữ gìn và phổ biến các ngôn ngữ châu Á trong cộng đồng, trong đó có tiếng Việt. NRCAL phối hợp với các học khu tại quận Cam (California) và nhiều quận khác ở các bang Washington hay Texas để phát triển và đưa vào giảng dạy chương trình song ngữ Việt - Anh. Từ năm 2014 đến nay, nhiều trường học từ bậc tiểu học, trung học cho đến đại học đã đưa chương trình song ngữ Việt - Anh vào giảng dạy với sự hỗ trợ của NRCAL.
Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức cuộc thi viết truyện bằng tiếng Việt và in thành sách để vừa tạo nguồn tài liệu cho giảng dạy, học tập, vừa khuyến khích việc gìn giữ tiếng Việt cho cộng đồng. Chính những nỗ lực đó mà NRCAL hai lần nhận được tài trợ từ Bộ Giáo dục Mỹ, với tổng số tiền gần 1,4 triệu USD (khoảng 32 tỉ đồng). “NRCAL đã trở thành sợi dây liên kết trong cộng đồng giáo dục ngôn ngữ châu Á tại địa phương và trên cả nước”, bà Tran nói trên trang tin của CSUF.
|
Di sản cho thế hệ tương lai
Tiến sĩ Tran nhận định việc cho trẻ em học thêm ngoại ngữ từ nhỏ không khiến chúng bị khó hiểu hay bất đồng về nhận thức. Thay vào đó, việc này đem lại lợi ích về nhận thức vì “não bộ được kết nối rất khác thường”.
“Khi bạn giới thiệu cho trẻ ngôn ngữ trong bối cảnh khác nhau, chúng không chỉ buộc phải xác định các khuôn mẫu trong các ngôn ngữ khác nhau mà còn phải xử lý thông tin và biết phải sử dụng ngôn ngữ nào trong từng bối cảnh”, bà Tran giải thích và cho biết thêm bà luôn cố gắng giao tiếp bằng tiếng Việt với con lúc ở nhà. NRCAL những năm qua cũng hỗ trợ các địa phương đưa chương trình song ngữ Việt - Anh vào giảng dạy từ lứa mẫu giáo, tiểu học.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Orange County Register, tiến sĩ Tran chia sẻ việc các thế hệ trẻ gốc Việt có khả năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ Việt thật sự là điều đáng mừng và mở ra tương lai cho cộng đồng. “Trẻ em có thể học hai thứ tiếng. Các em không cần phải từ bỏ phần Việt để có thể là người Mỹ. Các em có thể có cả hai. Các em có thể là người Mỹ gốc Việt am hiểu văn hóa và ngôn ngữ”.
Bình luận (0)