Nên đề xuất bỏ tuyển thẳng học sinh đoạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
05/04/2021 08:35 GMT+7

Những năm gần đây, sau lễ trao giải cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia lại có ý kiến nghi ngờ về tính trung thực và ý nghĩa 'sân chơi' khoa học dành cho học sinh của cuộc thi này.

Vì sao cuộc thi khoa học mất dần ý nghĩa của “sân chơi” dành cho học sinh (HS)?

Đề tài “khủng” ngay cả nhà khoa học cũng... giật mình

Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho HS trung học cấp quốc gia thực hiện qua 9 năm. Từ năm 2019 trở về trước, theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi đơn vị dự thi được cử không quá 6 dự án dự thi cấp quốc gia; đơn vị đã có dự án thi quốc tế được cử không quá 9 dự án dự thi; Hà Nội, TP.HCM, đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi năm học 2016 - 2017 được cử không quá 18 dự án dự thi. Tuy nhiên, sau một số ồn ào từ giải thưởng cuộc thi này, từ năm học 2019 - 2020, Bộ GD-ĐT rút xuống chỉ cho phép mỗi đơn vị dự thi được cử tối đa 2 dự án, riêng Hà Nội, TP.HCM và đơn vị đăng cai được cử tối đa 4 dự án.

Nên điều tra, rà soát lại tính trung thực của kỳ thi

Theo tiến sĩ Giáp Văn Dương, việc cần thiết trước mắt là điều tra, rà soát lại xem kỳ thi có trung thực hay không. Trước hết các giáo viên hướng dẫn HS tham gia kỳ thi này phải tự rà soát mình, xem mình đã trung thực hay chưa khi tham gia, và giành giải trong kỳ thi này. Nếu mình trung thực, các kết quả này đúng là do mình đoạt được, cần lên tiếng để tự bảo vệ mình trước sự nghi ngại của dư luận. Còn nếu mình không trung thực, mà im lặng, hoặc không tự phát hiện ra, ban tổ chức cũng không phát hiện ra, thì không chỉ cuộc thi thất bại, mà thực sự nó đang gây hại cho chính người tham gia, và rộng hơn là cho xã hội. “Đáng buồn nhất là, vì sao một kỳ thi quốc tế lành mạnh như vậy, mà về đến nước mình thì lại trở thành một nỗi nghi ngại của dư luận?”, tiến sĩ Dương đặt vấn đề.
Một hiệu trưởng trường THPT ở Hà Nội chia sẻ quy định này khiến cạnh tranh tại các cuộc thi cấp tỉnh trở nên khốc liệt hơn, nhiều trường muốn cho HS tham gia nhưng nghi ngại vì “không đến lượt mình” được chọn dự thi cấp cao hơn. Do vậy, tiếng là “sân chơi” nhưng lại không khuyến khích “người chơi” một cách thoải mái. Cũng vì hạn chế số lượng nên có tâm lý là phải những dự án thật “đao to búa lớn” mới xứng tầm đi thi. Do vậy, đây cũng là nguyên nhân khiến tên các đề tài dự thi và đoạt giải mấy năm gần đây toàn là những đề tài “khủng” mà ngay cả những nhà khoa học nghe qua cũng... giật mình.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương, Trường Time School, cho rằng dù “tài năng không đợi tuổi” là điều đáng mừng, nhưng là một người đã từng làm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vật lý và hóa học, ông thấy hầu hết các đề tài trong nhóm lĩnh vực này đều vượt quá sức HS trung học. Ví dụ, các đề tài nhắm đến việc điều trị ung thư, xơ vữa động mạch, phân giải thuốc, phân bổ thuốc, cảm biến sinh học, phân tích hệ gien... nhiều khả năng vượt quá sức của HS trung học. Sự vượt quá sức này không chỉ nằm ở kiến thức, mà còn ở kỹ năng sử dụng thiết bị nghiên cứu và tay nghề thực hành, thường phải mất nhiều năm một người mới có thể thành thục để đo đạc và đọc hiểu được các kết quả phân tích.

Người của trường ĐH, Viện nghiên cứu tham gia

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi dự án dự thi có 1 giáo viên trung học (đang công tác tại cơ sở giáo dục trung học có HS dự thi) bảo trợ, do thủ trưởng cơ sở giáo dục trung học có HS dự thi ra quyết định cử. Một giáo viên được bảo trợ tối đa 2 dự án khoa học của HS trong cùng thời gian. Người bảo trợ có thể đồng thời là người hướng dẫn khoa học.

Ý kiến

Nên xét đồng thời với tiêu chí khác
Nếu cuộc thi được tổ chức thực chất, việc ưu tiên xét tuyển HS đoạt giải vào ngành nghề phù hợp là một cách hay để tuyển chọn người học. Hiện có nhiều trường đang sử dụng kết quả cuộc thi này để tuyển sinh. Riêng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM hiện chỉ ưu tiên xét tuyển thí sinh đoạt giải cuộc thi này cấp quốc gia và yêu cầu thí sinh phải có học lực THPT 5 học kỳ từ 7,0 trở lên chứ không xét riêng giải thưởng. Có thể không nhất thiết phải bỏ quy định xét tuyển đối tượng thí sinh này nhưng cần có thêm tiêu chí ràng buộc khác, ví dụ điểm trung bình học bạ.
GS-TS Nguyễn Trung Kiên (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Đề xuất dừng xét cuộc thi này là phù hợp
Số lượng thí sinh trúng tuyển vào trường theo diện này mỗi năm chỉ một vài thí sinh, khi xét tuyển căn cứ đồng thời trên giải thưởng cuộc thi và kết quả học tập bậc THPT của HS. Nhưng nếu cuộc thi mang tính thầy thực hiện nhiều hơn trò thì việc không sử dụng để xét tuyển vào ĐH cũng là đề xuất phù hợp.
TS Nguyễn Trung Nhân (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM)
Hà Ánh (ghi)
Đáng chú ý, ngoài người bảo trợ, Bộ GD-ĐT cho phép: “Dự án dự thi có thể có thêm nhà khoa học chuyên ngành thuộc các trường ĐH, viện nghiên cứu, cơ sở khoa học công nghệ (có thể là cha, mẹ, người thân của HS) hướng dẫn”. Quy định này chính là nguyên nhân dẫn tới không ít ý kiến cho rằng cuộc thi và mỗi dự án dự thi không còn thực sự là sân chơi và sản phẩm nghiên cứu thực sự của HS nữa. Có phụ huynh tiết lộ, khi con tham gia vào nhóm nghiên cứu, các gia đình đã phải đóng một khoản kinh phí không hề nhỏ để nhà trường “mời” các chuyên gia thuộc các trường ĐH, viện nghiên cứu... về hướng dẫn cho con thì mới mong có giải thưởng cao.
Xung quanh nghi ngại cuộc thi có thực sự là sân chơi của HS hay là cuộc đua của người lớn, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng Bộ GD-ĐT đã có những nguyên tắc, quy định cụ thể trong việc chấm giải. Trong đó, ban giám khảo không chỉ chấm dựa trên sản phẩm được trưng bày mà còn đánh giá trên hồ sơ để biết quy trình thực hiện. Đặc biệt là chấm dựa trên phỏng vấn trực tiếp HS. Trong tiêu chí chấm giải cũng có barem điểm rất rõ, trong đó có điểm dành cho việc trình bày, trả lời phỏng vấn của ban giám khảo. “Nếu sản phẩm không do HS thực sự làm thì sẽ lộ ngay ở quá trình phỏng vấn, phản biện”, ông Thành nói.

Hiện tượng có mặt, chia phần

Quy chế tuyển sinh THCS và THPT; Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy có quy định tuyển thẳng, chế độ ưu tiên đối với tuyển sinh dành cho HS đoạt giải cuộc thi KHKT cấp quốc gia.
Với việc tuyển sinh ĐH, thí sinh trong đội tuyển quốc gia dự cuộc thi KHKT quốc tế đã tốt nghiệp THPT thì được xét tuyển thẳng vào ĐH theo ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi của thí sinh. Thí sinh dự cuộc thi KHKT quốc tế nếu chưa tốt nghiệp THPT sẽ được bảo lưu kết quả đến hết năm tốt nghiệp THPT. Nếu thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong cuộc thi KHKT cấp quốc gia, đã tốt nghiệp THPT được xét tuyển thẳng vào ĐH theo ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi mà thí sinh đã đoạt giải...
Điều này lâu nay cũng tạo nên nhiều ồn ào ngay trong chính HS khi cho rằng có HS không sở trường hay đam mê nghiên cứu mà lại có tên trong nhóm HS đoạt giải thưởng cuộc thi KHKT cấp quốc gia. Thực tế này khiến dư luận có quyền nghi ngờ: có hiện tượng ghép nhóm để đi thi nhưng thực tế người được ghép vào chẳng phải tài năng gì chỉ có mặt “chia phần” mà thôi.
Vì vậy nhiều ý kiến đặt vấn đề: cũng giống như việc bỏ tuyển thẳng vào lớp 10 các giải thưởng cuộc thi ở cấp THCS, Bộ GD-ĐT cần bỏ quy định ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng vào lớp 10 và tuyển sinh vào ĐH với những HS đoạt giải từ cuộc thi KHKT cấp quốc gia; không lấy giải thưởng để đánh giá thành tích, thi đua của giáo viên, của trường. Khi ấy, người lớn, thầy cô, phụ huynh sẽ không can thiệp quá sâu vào sân chơi dành cho HS.
Chia sẻ với PV Thanh Niên về ý kiến nên bỏ ưu tiên tuyển sinh, tuyển thẳng với HS đoạt giải, PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ nghiên cứu về đề xuất này. Tuy nhiên, theo ông Thành, việc tuyển sinh ra sao lâu nay là quyền tự chủ của các trường ĐH. “Những điểm chưa phù hợp nếu có sẽ được xem xét, xử lý cụ thể nhưng không thể vì điều đó mà phủ nhận những giá trị có thật, có ý nghĩa trong tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.