Ăn uống đủ chất ở tuổi dậy thì

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
11/06/2020 08:25 GMT+7

Tuổi dậy thì phát triển nhanh về thể lực, sự thay đổi của hệ thần kinh, nội tiết và đặc biệt là các tuyến sinh dục tạo ra những biến đổi về hình thức và sự tăng trưởng của cơ thể.

Theo bác sĩ - chuyên khoa 1 Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, các em cần phải lưu ý chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi cũng như hoạt động thể chất phù hợp.
Thường ở độ tuổi nào thì trẻ sẽ bắt đầu vào giai đoạn dậy thì thưa bác sĩ?
Tùy vào điều kiện thể chất, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt của trẻ sẽ có những mốc dậy thì khác nhau. Thường thì bé gái sẽ dậy thì sớm hơn (bắt đầu từ 9 - 16 tuổi). Còn ở nam, thường sẽ dậy thì chậm hơn (bắt đầu từ 13 - 15 tuổi). Dậy thì được coi là sớm nếu xuất hiện trước 8 tuổi (đối với bé gái) và 9 tuổi (đối với bé trai). Quá trình được coi là muộn nếu chưa bắt đầu ở tuổi 13 (gái) và tuổi 14 (trai).
Dấu hiệu nhận biết các em bắt đầu dậy thì là gì, thưa bác sĩ?
Đối với các bé gái, bắt đầu dậy thì khi có những dấu hiệu: ngực phát triển, xuất hiện lông mu… Những năm sau, các em sẽ bắt đầu kỳ kinh nguyệt và cơ thể “nở nang” hơn, quá trình hoàn thiện mất 3 - 4 năm. Đây cũng là giai đoạn phát triển xương nhanh chóng, có thể cao 7 - 8 cm/năm.
Còn đối với nam, dấu hiệu dậy thì là tăng kích thước tinh hoàn, sau đó xuất hiện lông mu, lông nách, tinh hoàn và dương vật tiếp tục phát triển. Các em sẽ thay đổi khá nhiều như: bể tiếng, cơ bắp, chiều cao phát triển… và phải mất 3 - 4 năm để hoàn thiện cơ thể.
Khi dậy thì, cả hai giới thường xuất hiện mụn trứng cá, cơ thể có mùi…
Thưa bác sĩ ở giai đoạn này các em phải có chế độ ăn uống như thế nào để cơ thể phát triển tốt nhất?
Khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, mỗi ngày cần 2.200 - 2.400 calo, tương đương với lượng ăn của người trưởng thành. Nếu không cung cấp đúng và đủ trẻ sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng dẫn đến chậm hoàn thiện và phát triển cơ thể, nhất là không đạt được chiều cao tốt.
Do vậy, các em cần có chế độ ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng, đa dạng các loại thực phẩm. Ít nhất phải ăn đủ 3 bữa ăn chính với 4 nhóm thực phẩm (chất bột đường, béo, protein, vitamin và khoáng chất), thường cần thêm 2 - 3 bữa phụ với sữa, trái cây, khoai, bắp…
Đặc biệt, các em không cần kiêng khem thực phẩm nếu không dị ứng thực phẩm đó. Việc lựa chọn những món ăn năng lượng thấp hay cao tùy thuộc mức độ tăng cân phù hợp của từng người.
Ngoài chế độ ăn uống phù hợp, học sinh trong giai đoạn này cần phải có chế độ vận động khoa học, phù hợp, phải rèn luyện thói quen thể dục thể thao hằng ngày. Những môn thể thao các em có thể chơi như: đá bóng, đi bộ, chạy bộ, bơi lội, bóng rổ…
Với các bạn nữ, ăn gì giúp phát triển vòng 1 tốt?
Thường thì kích thước bộ ngực có tính chất di truyền, mô vú còn phụ thuộc lượng mỡ của cơ thể. Do đó, tăng cân nặng đủ trong giai đoạn dậy thì là quan trọng với chế độ ăn giàu dinh dưỡng (đủ thịt, cá, trứng, đậu nành, dầu olive...). Nguồn dưỡng chất giúp phát triển và tăng kích thước mô vú. Các em cũng nên tập thêm các bài tập phát triển cơ thể toàn diện, trong đó có cơ ngực sẽ phát triển và săn chắc hơn.
Còn những thực phẩm nào có thể hỗ trợ các em phát triển chiều cao?
Phát triển chiều cao hay chiều ngang của cơ thể đều cần chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp giữa các nhóm chất, không nên tập trung ăn một thực phẩm nào đó quá nhiều chỉ vì “nghe nói” nó giúp phát triển chiều cao. Các em nên uống sữa hoặc sản phẩm sữa, ăn đủ chất đạm như thịt cá trứng, sử dụng gia vị chứa i ốt... Đặc biệt phải có thế độ ngủ đủ giấc, ngủ sớm. Chế độ tập luyện cũng ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển chiều cao, các em nên tìm cho mình một bộ môn phù hợp để duy trì thường xuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.