Mầm non đi học sau cùng hoặc chưa có lịch
Hà Giang là địa phương cuối cùng trên cả nước quyết định cho học sinh, sinh viên các cấp trên địa bàn đi học trở lại từ ngày 4.5. Riêng xã Phố Là, thị trấn Phố Bảng và thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn, Hà Giang), nơi có người nhiễm Covid-19, sẽ cho học sinh đi học sau đó 1 tuần, vào ngày 11.5.
Nếu như Hà Nội chỉ chia lịch trở lại trường của học sinh thành 2 đợt là 4.5 với học sinh THCS, THPT trở lên và 11.5 toàn bộ học sinh cấp, bậc học còn lại, thì TP.HCM quyết định chia lịch trở lại trường của học sinh thành 6 đợt. Trong đó ngày 4.5 chỉ có học sinh lớp 9 và 12 trở lại trường; từ 8.5 là học sinh lớp 4, 5 và các lớp còn lại của THCS, THPT; ngày 11.5 là các lớp 1, 2, 3.
Với riêng bậc học mầm non, TP.HCM cũng chia thành 3 đợt: 18.5 trẻ mầm non 5 tuổi, từ 18.5 trẻ mầm non từ 4 tuổi trở xuống và đến 1.6 trẻ lứa tuổi nhà trẻ mới bắt đầu quay trở lại trường.
Tương tự, một số địa phương chia nhỏ lịch đi học của bậc học mầm non theo lứa tuổi, trong đó cho trẻ 5 tuổi đi học trước, trẻ từ 4 tuổi trở xuống nghỉ đến giữa tháng 5 hoặc đầu tháng 6 như Đồng Nai (trẻ 5 tuổi đi học từ 11.5, còn lại từ 18.5), Hà Nam (trẻ 5 tuổi đi học từ 4.5, trẻ từ 4 tuổi trở xuống từ 15.5),…
Một số tỉnh còn bỏ ngỏ lịch trở lại trường của trẻ bậc mầm non với thông tin ngắn gọn “chờ thông báo tiếp theo” như: Bắc Giang, Khánh Hoà, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Hà Tĩnh, Lào Cai…
Nhiều địa phương cũng đã quyết định cho toàn bộ học sinh các cấp đi học trở lại từ ngày 4.5 như: Quảng Ninh, Bình Phước, Hà Nam, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Trà Vinh, Sơn La, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Yên Bái, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Đắk Nông, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hải Dương, Hậu Giang, Kiên Giang, Lạng Sơn, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Yên, Bình Dương, Hà Giang…
Một số địa phương đã quyết định cho học sinh lớp 9 và lớp 12, hoặc THCS, THPT đi học từ rất sớm trong tháng 4 vừa qua nhưng đến nay vẫn chưa có lịch đi học trở lại ở các khối lớp và cấp học còn lại như: Thái Bình, Vĩnh Long, Thanh Hoá, Yên Bái và Gia Lai.
Học sinh ngồi giãn cách 1 m
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết việc giãn cách học sinh sẽ thực hiện theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cho phép khoảng tiếp xúc 1 m thay vì 1,5 m và nhiều trường có thể yên tâm sắp xếp linh hoạt học sinh.
Ông Độ nêu gợi ý: khi mỗi bàn 1,2 m và 2 học sinh ngồi hai đầu bàn, với khoảng cách bàn trên bàn dưới có thể xếp cách xa. Một lớp học dài 8 m, trong đó 2 m cho bục giảng của giáo viên. Còn lại 6 m có thể xếp 6 dãy bàn, mỗi dãy 2 bàn, như vậy sĩ số nửa lớp hoàn toàn đáp ứng được. Với một số lớp phòng lớn hơn có thể sắp xếp 40 học sinh.
Theo ông Độ, Bộ GD-ĐT đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn của trường học. Theo đó, các địa phương đã tiếp nhận và xây dựng mức độ an toàn của trường, với 4 điểm.
Thứ nhất: đến trường phải đảm bảo quy định giãn cách 1 m; thứ hai: rửa tay và đảm bảo nước rửa tay đầy đủ; thứ ba: đeo khẩu trang; thứ tư: vệ sinh khử khuẩn toàn trường lớp.
“Nếu vi phạm một trong những điều này có nghĩa là nhà trường chưa thực sự an toàn”, Thứ trưởng Độ nhấn mạnh.
Bình luận (0)