Đó là khẳng định của ông Khúc Trung Kiên, một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phần mềm từng tuyển dụng hàng ngàn ứng viên, hiện là Giám đốc chương trình đào tạo lập trình viên Fast Track SE.
Ông Kiên cũng cho biết có những vị giám đốc nói thẳng: "Tôi chỉ cần thái độ tốt, những thứ khác tôi có thể dạy được".
Và thực tế đây là nhận định của nhiều nhà tuyển dụng lao động.
Doanh nghiệp phàn nàn về thái độ của sinh viên
Ông Khúc Trung Kiên nhìn nhận: “Thái độ ở đây cần được hiểu là những phẩm chất và hành vi liên quan tinh thần và quan hệ trong công việc. Rất đơn giản, cụ thể chứ không có gì to tát cả, và có thể đo đếm đánh giá được, nó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng công việc. Bạn có lắng nghe yêu cầu của khách hàng không? Khi làm việc bạn có chú ý đến những yêu cầu đối với công việc của mình không? Có cố gắng tối đa để đạt kết quả cần thiết không? Có đúng hạn không? Có để ý để tránh làm thiệt hại cho tổ chức đang trả lương cho mình không? Quan trọng hơn, bạn sẽ hành xử như thế nào khi gặp khó khăn, khi mắc sai lầm?”.
Theo ông Kiên, doanh nghiệp thường hay phàn nàn về thái độ của sinh viên mới ra trường. Chẳng hạn đi họp thì không biết xếp ghế lại sau khi kết thúc, đồ đạc bừa bãi trên bàn làm việc, rác không chịu bỏ vào thùng, công việc thì không đúng hạn...
Ông Lê Nguyễn Huy Tâm, Giám đốc Công ty Việt Thiên Nhiên (TP.HCM), kể lại những tình huống cười ra nước mắt về thái độ của ứng viên khi tuyển dụng: “Tôi nhận được rất nhiều hồ sơ xin việc. Sau khi lọc còn 20% hồ sơ thì nhiều bạn trẻ được hẹn phỏng vấn đều đến trễ giờ với nhiều lý do kiểu như: em ngủ quên, em bị hư xe, trời mưa quá nên anh cho em hẹn lại ngày mai nhé... Chỉ một thao tác tối thiểu là chủ động thông báo lại cho nhà tuyển dụng khi biết mình đến trễ hoặc không đến được, nhưng nhiều bạn trẻ lại vô tâm bỏ qua, coi như không vấn đề gì. Trong đó, có nhiều bạn trẻ khóa máy khiến công ty không liên lạc được, nhưng sau đó lại trách móc: sao công ty không đợi em…”.
Với thái độ thiếu nghiêm túc đó, theo ông Tâm, nếu nhận vào làm việc thì không thể giúp doanh nghiệp phát triển mà còn làm hại doanh nghiệp.
Cần cả một quá trình học hỏi
Bà Võ Thị Phương Lan, Giám đốc điều hành Công ty giao nhận vận tải Mỹ Á, chia sẻ không ít người cho rằng mình tốt nghiệp ĐH ra là đã giỏi giang, đủ kiến thức nên không cần học hỏi, không biết mình thiếu gì, yếu gì. “Thái độ cực kỳ quan trọng, nó được đánh giá qua cách bạn chuẩn bị hồ sơ, tác phong khi tiếp xúc với doanh nghiệp, cách bạn trả lời câu hỏi. Bạn có tìm hiểu kỹ về công việc, về doanh nghiệp bạn ứng tuyển hay chưa? Bạn tự tin nhưng cầu thị, mạnh dạn nhưng khiêm tốn, kể cả cách bạn mặc một bộ đồ hay cách bạn kéo một chiếc ghế trong buổi đầu gặp nhà tuyển dụng cũng thể hiện thái độ của bạn. Và nhà tuyển dụng chú ý rất kỹ những thứ có vẻ như mang tính hình thức nhưng thực chất nó phản ánh rất rõ con người bên trong của bạn”, bà Phương Lan chia sẻ.
Ông Khúc Trung Kiên cho rằng, thái độ không phải là cái gì quá khó để học, nhưng nó lại không phải là một môn học theo cách hiểu thông thường. “Làm sao có thể đào tạo thái độ nếu không có một thang điểm đúng đắn, không có kiểm tra/thi cử. Các trường muốn đào tạo về thái độ, trước hết phải định nghĩa cho rõ thái độ là gì, bao gồm những tiêu chí nào, yêu cầu với từng tiêu chí ra sao...”, ông Kiên đề xuất.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2, thái độ được hình thành từ nhỏ, nó là cả một quá trình học hỏi, trải nghiệm và từ cả tính cách, nhân cách của mỗi người. “Không thể một sớm một chiều để dạy một người từ thái độ tệ trở thành thái độ tốt. Chương trình đào tạo cũng không thể xây dựng riêng một môn học về thái độ, mà tất cả các môn đều phải được lồng ghép thông qua người thầy, qua môi trường học tập, giao tiếp, làm việc, ứng xử trong trường học”, bà Hằng nêu quan điểm.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Khi xây dựng chương trình đào tạo, các trường ĐH vẫn lấy ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết mà người học cần đạt được. Chúng tôi hiểu thái độ là thứ mà doanh nghiệp rất coi trọng, thậm chí hơn cả kiến thức chuyên môn nếu họ muốn ứng viên gắn bó cống hiến lâu dài cho doanh nghiệp. Vì thế, trường vẫn có những buổi sinh hoạt chuyên đề cho sinh viên, mời doanh nghiệp về trò chuyện trực tiếp các nội dung như cách ứng xử, ý thức, tinh thần học hỏi, trách nhiệm, tác phong làm việc trong doanh nghiệp... và thấy rõ ràng sinh viên có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để hoàn thiện thì bạn trẻ cần phải học hỏi trong cả một quá trình”.
Bình luận (0)