Thông tin mới nhất về đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn

Bích Thanh
Bích Thanh
09/12/2019 16:03 GMT+7

Ngày 9.12, theo thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM, cấu trúc đề thi môn ngữ văn tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 sẽ bao gồm 3 phần: Đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học.

Theo đó, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thí sinh sẽ tham dự 3 môn: toán, ngữ văn và ngoại ngữ, trong đó điểm bài thi môn toán và ngữ văn có hệ số 2.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng thông tin cấu trúc đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2020 không thay đổi so với kỳ thi tuyển sinh năm 2019. Với thời gian làm bài là 120 phút, thí sinh thực hiện 3 phần nội dung có thang điểm cụ thể như sau: Phần Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm) và Nghị luận văn học (4 điểm).
Trong đó, ở phần Đọc hiểu, các văn bản được chọn có thể là văn bản nghị luận xã hội, văn bản thường thức đời sống, văn bản khoa học,... Các câu hỏi được tổ chức theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Có thể là các câu hỏi yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; câu hỏi nêu nội dung văn bản; câu hỏi yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới… Trong các câu hỏi đọc hiểu có 1 câu hỏi về tiếng Việt.
Phần Nghị luận xã hội sẽ yêu cầu thí sinh viết bài văn khoảng một trang giấy thi, thí sinh cần vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm và rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính bản thân mình.
Phần Nghị luận văn học, thí sinh có 2 lựa chọn: Đề 1 sẽ là cách hỏi quen thuộc phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện trong chương trình. Từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến. Đề 2 có cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn đòi hỏi thí sinh phải căn cứ vào việc nắm vững kiến thức và kỹ năng khi lựa chọn đề để làm.
Theo thạc sĩ Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP.HCM, có một số nguyên nhân ảnh hưởng đến bài làm tuyển sinh lớp 10 như sau: Phân bố thời gian không hợp lý cho các phần, các câu. Đọc đề không kỹ dẫn đến trả lời không đúng trọng tâm, hoặc trả lời dài dòng, thừa ý, quá say sưa viết về 1 ý dẫn đến quên kết bài hoặc kết bài quá sơ sài. Cũng có thí sinh không nắm vững các kỹ năng làm bài, các thao tác lập luận. Ngoài ra khi làm bài, có thí sinh trình bày, viết chữ cẩu thả, khó đọc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.