Thủ khoa mê game từ nhỏ nói về mối quan hệ giữa game với... học thi

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
04/04/2021 16:42 GMT+7

"Em trót mê game thì có cách nào để đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới? Nếu đậu ĐH thì em phải làm sao để có thể hoà nhập với bạn mới, trường mới và có kết quả học tập tốt?".

Đó là 2 trong rất nhiều câu hỏi mà đông đảo học sinh của các trường THPT tại TP.Đà Lạt và huyện Đức Trọng, Lâm Đồng đã "thủ thỉ" với thủ khoa đầu vào năm 2019 của Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM Trần Đức Lương và thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Mở TP.HCM Quang Trọng Minh tại chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 3 và 4.4.

Game như một hình thức là giải trí nhưng không được sa đà

Trần Đức Lương kể lại mình kể mình bắt đầu chơi game online từ năm... lớp 1. "Theo mình, nếu chơi game ở một mức độ vừa phải, không sa đà, mỗi ngày chỉ dành một chút thời gian chơi sau giờ học thì rất tốt vì có những game được thiết kế giúp cho tư duy của người chơi phát triển. Chưa kể chơi một số game còn giúp người chơi rèn luyện tiếng Anh do người chơi đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Hãy coi nó như một hình thức giải trí, giúp cho đầu óc thoải mái, nhờ đó hỗ trợ cho việc ôn thi hiệu quả hơn".

Học sinh xin số điện thoại của Trần Đức Lương để có thể tiếp tục trao đổi

MỸ QUYÊN

Tuy nhiên theo Lương, trong giai đoạn gấp rút ôn thi để chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng bậc nhất này, học sinh lớp 12 nên chú trọng vào việc học nhiều hơn. "Đơn giản đây là giai đoạn mà các em phải luyện đề và sửa đề nhiều để nhận ra điểm yếu cần cải thiện của mình. Các em vẫn có thể chơi game hoặc giải trí bằng nhiều hình thức khác nhưng không được ham đến bỏ bê việc học. Cần xác định thời gian hợp lý, thời điểm nào học thì phải học, thời điểm nào xong hết cái mục tiêu đề ra trong ngày đó thì mình chơi nhưng phải lành mạnh", Lương đưa ra lời khuyên.

Thủ khoa Trần Đức Lương được đông đảo học sinh vây quanh

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngoài ra, Lương cho rằng học sinh lớp 12 có thể tham gia các hoạt động thể thao sau mỗi buổi học, hoặc có thể nghe nhạc hay đi ra quán cà phê cùng bạn bè vừa để thư giãn đầu óc và vừa ôm bài cùng các bạn nếu em cảm thấy chưa ổn phần nào đó.
"Vẫn có những trường hợp các bạn học quá nhiều mà không quan tâm đến việc giải trí. Bản thân mình cảm thấy việc đó không nên xảy ra. Tuy việc chăm chỉ học là tốt nhưng cũng cần có những chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Học nhiều gây nhồi nhét kiến thức và làm các bạn có thể bị khó nhớ khi làm bài. Học nhiều không bằng học hiệu quả", Lương nhìn nhận.

Làm thế nào để hoà nhập môi trường mới khi học ĐH?

Trong khi đó, rất nhiều học sinh đã đặt câu hỏi cho thủ khoa Quang Trọng Minh về việc nếu đậu ĐH thì cần chuẩn bị như thế nào cho việc hoà nhập với bạn mới, trường mới.
Minh cho biết: "Có 3 yếu tố mà các em nhất định phải nhớ để có thể giao tiếp với mọi người trong môi trường mới là ĐH. Thứ nhất là bạn phải giữ được thái độ điềm tĩnh trước mọi hoàn cảnh. Thứ 2 là là bạn phải cảm thông được khi người khác đang giận dữ. Thứ 3 là im lặng được khi người khác đang nói. Bản thân mình khi vào ĐH mình luôn mở lòng ra với môi trường mới, bạn bè mới và sẵn sàng tham gia các hoạt động tình nguyện, hoạt động đoàn hội do trường tổ chức".

Thủ khoa Quang Trọng Minh chia sẻ trước hàng ngàn học sinh tại Trường THPT Đức Trọng

ĐÀO NGỌC THẠCH

Về cách học ĐH hiệu quả, Minh cho biết mình đã áp dụng phương pháp Poromodo của ông Francesco Cirillo, giám đốc điều hành môt công ty phần mềm của Ý, cụ thể là kết hợp giữa những khoảng học tập tập trung liên tục và các quãng ngắt thời gian ngắn, bằng cách liệt kê việc học môn nào cần ưu tiên, đặt thời gian khoảng 25 phút, làm việc đến hết thời gian 25 phút, nghỉ giải lao 5 phút. Sau 4 lần nghỉ 5 phút thì nghỉ tối đa 10 phút. "Theo đó, trong lúc học 25 phút, chúng ta có thể nhai kẹo cao su giúp kích thích lượng máu ở não, viết tay, ghi chép giúp ghi nhớ lâu dài, sử dụng "hiệu ứng dây chuyền" bằng cách nhóm các chủ đề tương tự vào cùng với nhau giúp hệ thống thông tin não bộ, sử dụng bút dạ đa dạng màu sắc để toàn cảnh thông tin, nhẩm lại chi tiết... Trong 10 phút hoặc 5 phút nghỉ dài thì đi bộ quanh nhà giúp cải thiện tinh thần. Nghe nhạc, hít thở sâu 4 giây, 7 giây giữ hơi, và 8 giây thở ra cũng sẽ giúp giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung", Minh chia sẻ.
Tuy nhiên, Minh cho rằng nên có thời gian biểu theo nhịp điệu đồng hồ sinh học của mình, tùy nhiên theo một số cách làm việc hiệu quả thì nên chia 24 giờ ra làm 3 khung, 8 tiếng làm việc, 8 tiếng ngủ và 8 tiếng "tự do" để học hoặc chơi những gì mình muốn. Và nên ưu tiên kiến thức nặng vào năng lượng dồi dào nhất trong ngày. Còn khi giải lao, bạn cần nghỉ thực sự.
Thủ khoa Quang Trọng Minh cũng khuyên học sinh không nên học tập liên tục mà quên để cho não bộ nghỉ ngơi. "Làm việc "căng não" để ghi nhớ một lượng kiến thức lớn sẽ ngăn cản dòng máu lưu thông lên não, khiến não bị thiếu máu, không nhận đủ chất dinh dưỡng và lượng oxy cần thiết, làm chóng mặt, đau đầu, giảm khả năng tập trung, khó khăn khi tiếp nhận và ghi nhớ thông tin, khiến chúng ta học hoài không thuộc, học trước quên sau hoặc quên ngay sau khi đã thuộc", Quang Trọng Minh nhắn nhủ các sĩ tử chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.