Phóng viên Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội. Trước khi là Chủ nhiệm ủy ban này, ông Phan Thanh Bình là Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM.
Không phải muốn làm sao cũng được
Giới khoa học đang phản ứng việc nhà khoa học được trả tiền để ghi tên trường đại học khác vào công trình công bố quốc tế của mình. Là người từng làm công tác nghiên cứu, quản lý giáo dục, nay là Chủ nhiệm Ủy ban Quốc hội trong lĩnh vực này, quan điểm của ông về vấn đề trên thế nào?
Đa số các nhà khoa học đồng tình rằng việc “mua bán” (lưu ý cách gọi này cũng cần được xác định rõ ràng theo quan điểm của nhà khoa học) bài báo, công trình khoa học là không nên.
Tôi cho rằng các nhà khoa học ở Việt Nam cũng hiểu rõ điều này. Còn việc làm như thế nào về bản chất chỉ là sự lựa chọn của bản thân nhà khoa học và các trường.
Nhưng nếu coi đây là một lựa chọn mang tính nhận thức và đạo đức thì sẽ có nhiều hệ lụy như ta đã thấy, thưa ông?
Nếu chúng ta thống nhất về mặt nhận thức và văn hóa của môi trường đại học với bản lĩnh tự chủ của nó là không nên thì chúng ta cũng phải thừa nhận là thực tế không phải không có tình trạng này. Và thực tế này không chỉ ở Việt Nam. Trên thế giới, chuyện liên kết “ảo”, thậm chí được trả tiền để có tên trong bài báo không phải không có. Nhưng thông thường, để tránh xung đột lợi ích (conflict interest), các trường đại học có những quy định rất rõ ràng về việc các giảng viên, nhà khoa học bắt buộc phải báo cáo và được sự đồng ý của nhà trường khi hợp tác với các trường khác, thậm chí, các đơn vị khác chỉ có thể hợp tác với giảng viên thông qua hợp tác với trường.
Song ở Việt Nam cần có thời gian mới thực hiện được việc này. Cơ chế đãi ngộ, tiền lương của các trường, ngay cả các trường tự chủ hiện nay vẫn chưa thể đảm bảo cho tất cả người thầy chỉ tập trung vào chuyên môn, để giữ được người thầy ấy gắn bó cả phần hồn lẫn phần xác với nhà trường. Thực trạng này khiến các trường đại học có thể biết người của mình bán bài cho trường khác nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở. Vì nhiều lý do, đôi khi không chỉ là chuyên môn…
Công khai thật minh bạch
Khi chúng ta thống nhất về nguyên tắc việc mua bán là không đúng thì nên làm thế nào để loại bỏ các giá trị ảo trong nghiên cứu khoa học, giữ được sự liêm chính học thuật, giúp giáo dục đại học phát triển lành mạnh?
Tôi cho rằng chúng ta phải bắt đầu từ câu chuyện gốc rễ là tự chủ đại học. Chúng ta đã có hành lang pháp lý chính là luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học vừa được Quốc hội thông qua năm 2018. Luật Giáo dục đại học cho phép trường đại học, khi đủ năng lực tự chủ, sẽ được tự chủ từ chuyên môn, tổ chức đến tài chính. Tự chủ về tài chính thực chất chỉ là điều kiện để đảm bảo cho trường đại học tự chủ cao hơn, hướng đến cái lớn nhất là tự chủ về chuyên môn, học thuật.
Tuy nhiên, luật cũng quy định về thực hiện trách nhiệm giải trình, theo tôi là cách tốt nhất để đảm bảo liêm chính học thuật và sự phát triển lành mạnh của môi trường giáo dục đại học theo đúng nghĩa tự chủ, hình thành văn hóa đại học.
Các trường đại học phải có trách nhiệm công khai thật minh bạch không chỉ với cơ quan quản lý nhà nước mà cả xã hội về tất cả những gì mình làm, mình có, từ số lượng giảng viên, số bài báo cho tới tài chính, thu chi... Khi đó, không chỉ cơ quan quản lý mà cả xã hội, cộng đồng sẽ hiểu trường làm được đến đâu và làm như thế nào. Khi đó, giá trị của một đại học, chất lượng của nhà trường sẽ được nhìn nhận một cách toàn diện bởi xã hội, sinh viên. Số bài báo hay việc xếp hạng chỉ là một tiêu chí tham khảo chứ không phải duy nhất để đánh giá ngôi trường đại học. Và người ta sẽ biết được đâu là giá trị ảo, đâu là giá trị thật.
Điều này đã được quy định trong luật, hy vọng Chính phủ và Bộ GD-ĐT sẽ sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để các trường thực hiện trách nhiệm giải trình của mình một cách tốt nhất. Cùng với đó, xã hội cũng cần phải làm quen dần với việc tự giám sát. Chúng ta có số liệu, mọi thứ đều công khai, minh bạch và có thể tự đánh giá. Tôi cho rằng việc báo chí phản ánh vấn đề này cũng là một cách để xã hội giám sát. Chắc chắn sau những tranh luận này, các trường đại học cũng như bản thân các thầy sẽ nhìn lại mình và có sự điều chỉnh đúng mực.
Không chỉ các trường có trách nhiệm giải trình mà chính các nhà khoa học cũng cần có trách nhiệm giải trình với chính công việc của mình?
Về nguyên tắc, các trường đại học Việt Nam cũng cần phải có quy định nội bộ chặt chẽ như thông lệ mà các trường đại học trên thế giới đã làm nhằm giữ trong sáng cho môi trường đại học, và tránh xung đột lợi ích nhất là trong bối cảnh các trường bắt đầu cạnh tranh không khác gì các doanh nghiệp khi thực hiện tự chủ. Song tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có nhiều trường có thể đưa ra quy định chặt chẽ như vậy.
Vấn đề quan trọng như tôi đã nói, chúng ta chưa thực sự đãi ngộ xứng đáng với những người làm công tác nghiên cứu khoa học, sáng tạo tri thức. Ở các trường đại học trên thế giới, họ quy định chặt chẽ trong vấn đề này, song họ cũng đảm bảo người thầy không cần phải nghĩ ngợi nhiều tới việc chưa sòng phẳng trong khoa học chỉ với mục tiêu duy nhất là đảm bảo cuộc sống.
Do đó, cùng với việc thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các trường đại học, thay đổi chế độ đãi ngộ đối với những người làm nghiên cứu khoa học ở các trường đại học là biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, thực chất của giáo dục đại học.
Bình luận (0)