Trên báo in Thanh Niên ngày mai 16.9.2020, trong tin tức giáo dục đặc biệt còn phản ảnh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Thực trạng của các trường CĐ sư phạm hiện nay khi luật Giáo dục quy định trường cao đẳng chỉ còn tuyển sinh đào tạo giáo viên mầm non.
Điểm chuẩn ngành y tăng đến đâu?
Theo cán bộ phụ trách đào tạo - tuyển sinh các trường ĐH ở Hà Nội, điểm chuẩn năm nay của các trường tùy từng ngành sẽ tăng từ 1 đến 3 điểm so với năm ngoái, nhiều ngành lấy tới 27 - 28 điểm.
Riêng với khối ngành y, theo một số chuyên gia tuyển sinh, do phổ điểm khối B năm nay cao nên điểm chuẩn vào các ngành khối ngành sức khỏe trên cả nước sẽ tăng từ 2 đến 3 điểm so với năm ngoái, riêng ngành y khoa có thể mức tăng thấp hơn do lượng thí sinh điểm cao vượt trội không quá nhiều. Tuy nhiên sẽ không có chuyện lặp lại hiện tượng như năm 2017, khi thí sinh đạt 29 điểm vẫn chưa đỗ ngành y khoa.
Với các trường nóng khác như kinh tế, ngoại thương, bách khoa…, điểm chuẩn sẽ tăng thế nào? Giờ cuối các trường đại học còn điều chỉnh chỉ tiêu ra sao? Những vấn đề này sẽ được giải đáp trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (16.9).
Thiếu trầm trọng nhân lực có tay nghề
Thực tế hiện nay nhiều đơn vị tuyển dụng đang cần nhân lực có tay nghề ở trình độc cao đẳng, trung cấp nhưng không có người để tuyển.
|
Thạc sĩ Nguyễn Tấn Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công thương TP.HCM, cho biết: “Hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề ở trình độ trung cấp, CĐ là rất cao. Trường có một số ngành khó tuyển nhưng nhu cầu công ty đang rất cần. Ví dụ ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, chuyên ngành hóa nhuộm và da giày. Hiện có 3 công ty tài trợ học phí cho toàn bộ sinh viên đang theo học ngành hóa nhuộm. Sau khi tốt nghiệp nếu có nhu cầu thì về các doanh nghiệp này làm việc. Thế nhưng số lượng thí sinh đăng ký vào những ngành này rất ít”.
Tình hình tương tự với nhiều ngành khác như thư viện, kinh doanh xuất bản phẩm, thiết kế công nghiệp…, thậm chí năm nay có cả các ngành nhà hàng khách sạn, sư phạm mầm non, du lịch, dịch vụ…
Sự mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề, vừa thừa vừa thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất – kinh doanh sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể về vấn đề này sẽ được phản ảnh trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai. Trong nội dung này còn có câu chuyện về tìm hướng phát triển, tự cứu mình của một trường CĐ sư phạm địa phương.
Bình luận (0)