Tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in ngày mai 24.8.2020

23/08/2020 23:43 GMT+7

Tin tức giáo dục đặc biệt đáng quan tâm trên Báo Thanh Niên ngày mai 24.8.2020 chuyển tải ý kiến của nhiều nhà khoa học về biểu hiện thành tích ảo trong khoa học từ trường hợp điển hình của Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Trên báo in Thanh Niên ngày mai 24.8.2020, trong tin tức giáo dục đặc biệt còn phản ảnh các địa phương phải xoay xở, chật vật ra sao để đảm bảo chỗ học cho học sinh lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng từ năm học 2020-2021. Các địa phương thực hiện thi tốt nghiệp đợt 2 thế nào? Thí sinh thi đánh giá năng lực cần lưu ý điều gì?

Hệ lụy khôn lường từ những giá trị ảo trong nghiên cứu khoa học 

Lấy chuyện hoa quả Trung Quốc  vô tư đội lốt hàng Việt Nam để bán được hàng, một giáo sư ví von việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã trả tiền cho các cán bộ không phải của trường để họ ghi vào trong công bố khoa học địa chỉ tác giả ở trường này chẳng khác gì mua hàng ở Trung Quốc về rồi gắn mác Việt Nam.
Sau nhiều dẫn chứng chặt chẽ về những bất thường trong số lượng công bố khoa học quốc tế của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, giáo sư này cho rằng đó là con số ảo. Vì thế thành tích công bố quốc tế của Việt Nam cũng cần phải đánh giá lại. Nếu chấp nhận kiểu làm gian dối này của Trường ĐH Tôn Đức Thắng thì Chính phủ chỉ cần bỏ tiền mua công bố khoa học của các tác giả nước ngoài là Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về khoa học ngay. Tiền của bỏ ra chỉ để mua về cái danh hão.
Còn rất nhiều ý kiến của của các nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam đang làm việc ở các nước tiên tiến về những chiêu thức của Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong nghiên cứu khoa học cũng sẽ có trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (24.8). Qua những ý kiến này, bạn đọc sẽ thấy rằng những cách thức phi khoa học mà trường này đang thực hiện không phải là cách làm phổ biến ở các nước như một vài nhận định.

Học dồn, chia nhóm học cách ngày hoặc học luôn thứ bảy!

Năm học mới, số lượng học sinh tại TP.HCM tăng cao ở một số quận, huyện nhưng số phòng học tăng không đáng kể. Trong khi đó học sinh lớp 1 bắt đầu thực hiện chương trình mới học 2 buổi/ngày nên nhiều quận huyện buộc phải có những phương án chưa có tiền lệ mới mong đủ chỗ học cho học sinh.

Học sinh tại một trong những trường có học sinh đông nhất TP.HCM. Số học sinh lớp 1 tăng cao khiến nhiều quận, huyện ở TP.HCM chịu áp lực rất lớn khi sắp xếp trường lớp cũng như triển khai chương trình mới

Nguyễn Loan

Có quận dự kiến chỉ cho học sinh lớp 1 học một buổi, bổ sung thêm một số buổi chéo vào buổi chiều. Có quận tính toán đến phương án chia học sinh lớp 1 thành hai nhóm, nhóm thứ nhất sẽ học vào thứ 2,4,6 còn nhóm thứ 2 học vào 3, 5, 7 và sắp xếp học sinh học thêm một buổi nữa trong tuần.
Tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tường tận, bao quát về những chật vật, khó khăn của các quận, huyện đông dân cư khi thực hiện chương trình giáo dục mới cho học sinh lớp 1.
Hôm nay, UBND TP.Đà Nẵng có đề xuất với Bộ GD-ĐT về lịch thi tốt nghiệp THPT đợt 2 vào các ngày 2,3,4,5.9 thay cho lịch thi ngày 29,30,31.8 mà Bộ thông báo dự kiến. Trong khi đó, các địa phương còn lại thi đợt 2 đã chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT ra sao? Những thay đổi trong kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tác động thế nào đến việc xét tuyển của thí sinh? Đây cũng là những nội dung đáng quan tâm trong tin tức giáo dục đặc biệt trên Thanh Niên.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.