"Tựu trường" có một không hai
Trong hơn ba tháng qua, dịch bệnh Covid 19 hoành hành cũng là khoảng thời gian mà học sinh, sinh viên chưa được đến trường, trong đó có cả tôi – cô sinh viên năm 2 đại học. Lần đầu tiên trong đời, tôi có một kỳ nghỉ tết dài đến như thế, hơi buồn vì việc học bị gián đoạn, tuy nhiên cũng nhờ “cái tết lịch sử” mà tôi phụ giúp được gia đình nhiều hơn và có thời gian cảm nhận về bản thân nhiều hơn. Cũng vì thế mà chúng tôi sắp có được mùa 'tựu trường' đáng nhớ, có một không hai từ trước đến giờ.
Rời xa phố thị tấp nập, đầy khói bụi, tôi trở về miền quê yên bình với những cánh đồng lúa bất tận và bầu trời trong xanh, cao vút. Với tôi, năm nào cũng thế, cứ “ăn” xong mùng ba tết là lại lên rẫy phụ gia đình làm mì (sắn). Thường thì tôi sẽ đi học trước khi gia đình thu hoạch hết mì, nhưng năm nay đặc biệt hơn chút, xong mùa mì và mùa gặt lúa (thường thì lúa sẽ gặt sau khi làm mì xong) mà tôi vẫn chưa “cắp sách đến trường”.
|
Những trải nghiệm từ" kỳ nghỉ tết lịch sử"
Năm nay, tôi lại được chứng kiến cảnh mọi người hối hả cho mùa gặt, dù ai cũng thấm mệt trước tiết trời hanh khô của Tây Nguyên nhưng trên gương mặt lam lũ của những người nông dân toát lên niềm hạnh phúc khi lúa năm nay được mùa. Trên khắp các cánh đồng, tiếng người hòa cùng tiếng máy gặt tạo nên không khí rôm rả, và cũng nhờ thế mà mọi người vơi đi phần nào nỗi lo về dịch bệnh đang hoành hành.
Nhờ “kỳ nghỉ tết lịch sử” mà tôi có thời gian trồng rau với mẹ, ngồi nghe mẹ kể chuyện thời xửa thời xưa hay lặng nhìn những đứa trẻ lấm lem bùn đất đi bắt ốc vào mỗi buổi chiều. Tôi chợt nhận ra, bản thân mình như được sống lại những tháng ngày vô lo, vô nghĩ của trước kia. Mọi thứ êm ả, nhẹ nhàng như dòng chảy của sông Ayun.
Năm 2020 hẳn là một năm đáng nhớ đối với nhiều người. Với tôi, bên cạnh nỗi lo sợ về sự nguy hiểm của dịch bệnh toàn cầu, thì "kỳ nghỉ Tết lịch sử" cũng cho tôi nhiều thứ tích cực. Tôi được bên cạnh gia đình nhiều hơn, phụ giúp được nhiều việc đồng áng hơn, lại được hòa vào cuộc sống dân dã, mộc mạc và đầy chân tình của người dân miền núi. Tâm hồn như được gột rửa khỏi áp lực của việc học hành, hay đi làm thêm trang trải cuộc sống nơi phố thị.
Qua việc học trực tuyến, tôi lại lần nữa cảm nhận được sự khó khăn của việc theo con chữ. Đối với học sinh, sinh viên vùng núi, không phải ở đâu cũng có Internet để kết nối, có nhiều bạn phải xin học ở nhà hàng xóm, người quen... Nhưng dường như, càng trắc trở bao nhiêu thì tấm lòng hiếu học của trẻ em vùng núi càng cao bấy nhiêu.
Nôn nao ngày trở lại trường
Và bây giờ, tôi và bạn bè chuẩn bị nghe giảng viên giảng bài trong phòng học lộng gió, bên ngoài khung cửa có vài bông phượng nhú lên, tươi rói…những hình ảnh đó cứ hiện lên trong đầu tôi, không ngừng. Và chúng tôi sẽ đến trường khi mùa phượng đã nở đỏ rực và tiếng ve kêu râm ran, một mùa 'tựu trường' đáng nhớ.
Bình luận (0)