Sinh viên còn thờ ơ với việc rèn luyện kỹ năng ?
Ông Lưu Hoàn Thành, Tổng giám đốc Công ty dầu nhờn Indopetrol, cho hay: “Rất ít sinh viên (SV) tốt nghiệp thể hiện được mình là một ứng viên tốt cả về chuyên môn lẫn kỹ năng mềm. Đa số các bạn còn hạn chế về kiến thức xã hội, cách ứng xử trong doanh nghiệp, thái độ làm việc cũng như cách làm việc nhóm, thuyết trình…”.
Theo ông Thành, có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Đa số SV vẫn chưa quan tâm đến việc trang bị các kỹ năng cho tương lai mà chỉ chú trọng đến một số lợi ích hiện tại như mải đi làm thêm kiếm tiền, hoặc bị cuốn vào những thú vui từ mạng xã hội, gặp gỡ bạn bè… Kế đến, do chương trình đào tạo của nhiều trường ĐH chưa lồng ghép một cách hiệu quả các kỹ năng về giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, kích thích sự năng động, tự tin… vào bài học. Nếu có thì chủ yếu lý thuyết mà thiếu thực hành. “Số lượng SV quá đông cũng là rào cản. Chẳng hạn lớp học hàng trăm SV thì không phải em nào cũng có cơ hội đứng trước lớp tập thuyết trình”, ông Thành nhìn nhận.
Bà Nguyễn Thị Yến Phi, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH thương mại - sản xuất Vạn Sự Lợi, nói: “Tôi không hiểu được có em đi làm mà cả một ngày không giao tiếp, hướng dẫn việc gì thì làm việc đó, rất thụ động. Tác phong thì thiếu sự nhanh nhẹn năng động, thậm chí đi làm trễ, giao việc một nhóm thì không biết cách tương tác…”.
Bà Yến Phi cho rằng đa số bạn trẻ bây giờ có thể rất chịu khó học kiến thức chuyên môn nhưng lại khá hời hợt trong kiến thức xã hội, dửng dưng với những yếu tố sát sườn đối với công việc. “Người sử dụng lao động phải đào tạo lại kỹ năng mềm cũng như định hướng thái độ làm việc cho các em”, bà Phi chia sẻ.
Học và thực hành kỹ năng ở trường khác với doanh nghiệp
Ở góc độ trường ĐH, tiến sĩ Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Phân viện miền Nam - Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, phân tích: “Các trường đang rất đầu tư và ưu tiên phát triển phẩm chất, năng lực người học. Một số trường còn xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng mềm nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt việc dạy và học kỹ năng với các lĩnh vực khoa học khác để thấy việc học và thực hành kỹ năng ở trường và ở doanh nghiệp không giống nhau. Hiện nay, hầu hết các trường chỉ mới bước đầu cung cấp, gợi mở cho SV những kỹ năng chung chứ chưa có kỹ năng chuyên biệt cho từng nhóm công việc hay từng đối tượng đặc thù. Trong khi đó, doanh nghiệp lại đánh giá kỹ năng của SV theo đặc thù công việc”.
Theo tiến sĩ Long, SV nên tham gia học tập nghiêm túc, tích cực trong giờ giảng của giảng viên và tự học, tự nghiên cứu tốt cũng là biện pháp tăng kỹ năng mềm cho bản thân. Bên cạnh đó, phải thường xuyên va chạm với thực tế thông qua việc tham gia các hoạt động Đoàn - Hội, lớp...
Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác SV - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ SV và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin và đề xuất: “Các kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình, viết hồ sơ, trả lời phỏng vấn… đã được đưa vào giảng dạy tại trường. Nhưng thực tế đúng là có độ vênh nhất định giữa nhà trường với doanh nghiệp. Lý do là mỗi doanh nghiệp yêu cầu một nhóm kỹ năng riêng. Vì thế, chúng tôi rất mong muốn doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng và đào tạo các nội dung này.
Thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cũng nhìn nhận việc giảng dạy và ứng dụng kỹ năng mềm cho SV còn nhiều hạn chế như do sĩ số lớp đông, giảng viên truyền đạt còn nhiều lý thuyết thay vì chú trọng thực hành cho SV…
Bình luận (0)